Thôn Thượng Thọ, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có hơn 100 hộ dân sống ven sông Gianh đang thấp thỏm nỗi lo sạt lở đất. Tình trạng sạt lở ngày càng ăn sâu vào khu vực dân cư. Có những chỗ bờ sông chỉ cách nhà dân vài mét.

Tình trạng sạt lở bờ sông Gianh diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng 2 năm gần đây xảy ra nghiêm trọng hơn khiến bà con hết sức hoang mang. Ông Hoàng Minh Phương, ở thôn Thượng Thọ, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, nhà ông còn cách bờ sông chừng 5m, bà con nơi đây đã trồng các loại cây như tre, bần, rươi để chống sạt lở.

qb_1_vov_sbic.jpg
Quảng Bình tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào gần nhà dân.

“Hiện nay sạt lở chỉ còn 5m là vào tới nhà. Đến mùa mưa lũ chúng tôi rất sợ. Ngoài sông bị hút cát sâu quá nên đất chuồi ra. Năm qua tình hình ở đây sạt lở ảnh hướng đến đất đai nương vườn của dân rất nhiều. Mong các cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ xây kè kịp thời”- ông Phương nói.

Xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có 1.200 hộ dân thì hơn 300 hộ đã nằm trong khu vực nguy cơ cao về sạt lở. Ông Nguyễn Tiến Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa mong Nhà nước đầu tư xây kè giúp dân yên tâm.

 

“Có những hộ sạt lở gần vào tới nhà. Sạt lở rất lớn mà trong đó kè mới được một thôn, các thôn còn lại chưa làm được kè. Vì vậy, hàng năm diện tích sạt lở rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, mất đất sản xuất, mất nhà cửa của dân, đe dọa tính mạng đến con người”- ông Thực cho biết.

Tại huyện Quảng Ninh, 1.000 hộ dân nằm trong nguy cơ sạt lở. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện 4 điểm sạt lở, đe dọa an toàn tính mạng của gần 200 hộ dân. Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, huyện đã lên kế hoạch di dời người dân đến nơi an toàn.

 Ông Hoàng Minh Phương ở thôn Thượng Thọ,  xã Cảnh Hóa cho biết, nhà ông chỉ cách bờ sống khoảng 5m.

“Phương án lâu dài là có quy hoạch những vùng tái định cư cho bà con. Hộ có nguy cơ cao được ưu tiên trước những hộ khác cũng phải từng bước. Một số nơi đề xuất hệ thống kè để bảo vệ đất sản xuất, nhà cửa, tài sản cho bà con. Hiện tại đầu tư hệ thống kè nâng cấp một số công trình”- ông Phạm Trung Đông cho biết. 

Thời gian vừa qua, các địa phương ở tỉnh Quảng Bình đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống sạt lở, tu sửa đê điều, hồ chứa, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Trước mùa mưa bão, tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương lên phương án sẵn sàng di dân đến nơi an toàn khi xảy ra thiên tai. Ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trước mắt phải củng cố, tu bổ, duy tu, bảo dưỡng các đê đập, nhất là hồ chứa nước.

Người dân nơi đây phải trồng tre, bần.. để chống sạt lở.

“Ngoài ra, hệ thống đê điều chúng tôi đã có đầu tư từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh để cũng cố hệ thống đê điều. Kinh phí từ Trung ương hỗ trợ dự án kè các đoạn sông có nguy cơ lở lớn. Phương án di dời dân nơi khác khi lũ xảy ra, chúng tôi đã lên phương án cụ thể những vùng trọng điểm, đảm bảo đời sống của nhân dân được ổn định. Ngoài ra, có những phương án như làm nhà chống bão, chống lũ đảm bảo an toàn cuộc sống người dân”- ông Trần Công Thuật cho biết./.