Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn khoanh vùng đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; Di dời nhà cửa, vật kiến trúc ảnh hưởng hành lang đê điều, hạ tải trọng trong phạm vi thiết lập; lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở; xây dựng phương án bảo vệ các vị trí đê xung yếu để trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở tổ chức bảo vệ đê.

vov_ca_mau_wdog.jpg
Cà Mau ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đê biển Tây.

Bên cạnh đó, UBND huyện Trần Văn Thời, U Minh vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện có tải trọng lớn vào khu vực sạt lở, bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực.

Về các biện pháp khắc phục sự cố sạt lở, giao Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn khẩn trương huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật các vị trí đê bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.

Các lực lượng chức năng Cà Mau đang khẩn trương khắc phục sạt lở.

Trước đó, VOV đã thông tin, vào chiều 3/8, tại tuyến đê phòng hộ ven biển Tây thuộc xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) sóng lớn đã đánh liên tiếp gây sạt lở nghiêm trọng thân đê phòng hộ.

Mực nước dâng cao kỷ lục, nước mặn đã tràn qua mặt đê vào vùng ngọt hóa, nơi bà con đang canh tác lúa. Ngành chức năng Cà Mau đã và đang tiếp tục khẩn trương gia cố đoạn đê này để đảm bảo không xảy ra tình trạng vỡ đê./.