Nguyên nhân của hạn mặn, thiếu nguồn nước ở ĐBSCL và miền Trung
Ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, tổng lượng mưa mùa lũ năm 2019 trên sông Mekong thiếu hụt từ 20-40% so với trung bình nhiều năm (TBNN) và từ 15-25% so với đỉnh điểm hạn mặn năm 2015; tổng lượng dòng chảy thiếu hụt từ 30-35% so với TBNN và thiếu hụt khoảng 5% so với năm 2015, dẫn đến dòng chảy chuyển tiếp mùa khô 2019-2020 từ sông Mekong về ĐBSCL ở mức thiếu hụt nhiều so với TBNN và năm 2015-2016. Đây là nguyên nhân chính gây ra xâm nhập mặn sớm và khốc liệt trong mùa khô năm 2019-2020.
Hạn mặn ở ĐBSCL đạt mức kỷ lục. |
“Hiện nay, dung tích phần lớn các hồ chứa thủy điện, thuỷ lợi vừa và lớn ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên ở mức thấp, thiếu hụt từ 15-60% dung tích thiết kế (DTTK). Từ đầu mùa khô đến nay, tổng lượng mưa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 20-50%, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 30-60%, một số sông thiếu hụt trên 70% như sông Cả (Nghệ An), sông Ba (Phú Yên), sông Dinh (Ninh Thuận) đó là là nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ tại một số tỉnh Trung Bộ Tây Nguyên (như Phú Yên đến Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông)”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, trong những năm gần đây do sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu (BĐKH) các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn ra nhiều hơn, không chỉ những hiện tượng thời tiết mà cả những hiện tượng kéo dài hơn như hạn hán cũng diễn ra thường xuyên hơn và gay gắt hơn.
Ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. |
Đặc biệt trong năm 2019 Việt Nam cũng liên tiếp ghi nhận được những giá trị nhiệt độ kỷ lục trong tháng 4 và tháng 6 năm 2019, như tại Hương Khê Hà Tĩnh hoặc mưa lớn kỷ lục tại Phú Quốc (8/2019) gây ngập lụt nặng nề cho huyện đảo này.
Xa hơn chút, vào đầu năm 2016 sự chuyển pha từ El Nino sang pha Trung tính chúng ta đã chứng kiến hiện tượng rét bất thường, nhiều nơi xảy ra băng tuyết, thậm chí ở Kỳ Sơn (Nghệ An) nơi vĩ độ thấp hơn khu vực vùng núi phía bắc rất nhiều cũng đã xuất hiện tuyết. Như vậy có thể thấy rằng BĐKH đã và đang tác động rất lớn đến không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Quay trở lại hiện tượng hạn hán trong mùa khô năm nay ở ĐBSCL được đánh giá là tương đương hoặc thậm chí gay gắt hơn so với đợt hạn hán năm 2015-2016.
Khi nào hạn mặn sẽ kết thúc?
Theo Trung tâm Dự báo KTTV nhận định, đối với các tỉnh ĐBSCL: Từ nay đến tháng 5/2020, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong đến ĐBSCL ở mức thấp hơn so với TBNN từ 5-20%.
Hạn hán ở ĐBSCL đang diễn biến rất phức tạp. |
Từ sau ngày 15/3/2020, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao đến cuối tháng 3/2020; xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang) khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020, sau giảm dần.
Ông Phùng Tiến Dũng –Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: “Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài và việc các hồ chứa, đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong ngừng vận hành sẽ khiến hạn hán tại ĐBSCL càng kéo dài và cực đoan hơn”.
Sông Mê Kông cạn kỷ lục tại đoạn chảy qua tỉnh Nakhon Phanom ở Thái Lan. Ảnh chụp màn hình Bangkok Post. |
Đối với các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên: Từ tháng 3-5/2020, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Phú Yên đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tình hình hạn hán thiếu nước xảy ra nghiêm trọng hơn ở những nơi ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi, sau tháng 5 tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên giảm dần.
Từ tháng 5-8/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ ở mức độ gay gắt hơn mùa khô năm 2019, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, sau khi mùa mưa bắt đầu tình trạng hạn hán ở khu vực Trung Bộ mới được cải thiện.
Thông tin vận hành hồ chứa tại thượng nguồn sông Mê Kông rất hạn chế
Ông Phùng Tiến Dũng cho biết, nếu các hồ chứa, đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong ngừng vận hành sẽ khiến hạn hạn tại ĐBSCL càng kéo dài và cực đoan hơn.
Sông Mekong cạn trơ đáy. (Ảnh từ video/Shinshiro Kenji Arthur). |
“Theo số liệu quan trắc, dòng chảy từ thượng nguồn đổ về hạ nguồn sông Mekong thiếu hụt khoảng 5 - 20% so với TBNN góp phần làm cho tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức kỷ lục. Hiện tại chúng tôi nắm được rất ít thông tin việc vận hành của các hồ, đập tại thượng nguồn sông Mekong, chúng tôi chỉ kiểm soát được mực nước sau đập và trước đập chính ở sông Mekong, các số liệu vận hành của các hồ, đập lớn nhỏ thì chúng tôi có được rất hạn chế”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, căn cứ vào số liệu quan trắc, từ đầu mùa khô đến nay ghi nhận rất ít hoạt động vận hành xả nước từ các hồ đập trên thượng nguồn sông Mekong.
Mực nước rất thấp ở sông Mekong tại khu vực Đông Bắc Thái Lan. |
“Chúng tôi vẫn có những đề nghị hỗ trợ thông tin về số liệu vận hành của các hồ đập tại thượng nguồn sông Mekong nhưng nhận lại thông tin rất hạn chế. Hiện tại mực nước sông Mekong đang có dấu hiệu tăng dần và hạn hán ở ĐBSCL sẽ được cải thiện trong thời gian tới”, ông Dũng cho biết thêm.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ: “Đây là đợt hạn mặn lịch sử của Việt Nam tại ĐBSCL. Chưa năm nào hạn vào sâu như vậy. Đặc biệt năm nay mặn xâm nhập sớm hơn bình thường 1,5 tháng. Một số địa điểm chúng tôi đo được ranh mặn vào sâu 90km”.
Theo ông Hiệp, sức chịu đựng của con người là có hạn. Người dân ĐBSCL đang gặp khó khăn về nguồn nước phục vụ cả sinh hoạt lẫn sản xuất.
"Chính phủ Việt Nam không ngồi yên mà sẽ nỗ lực hết mình để vượt qua khó khăn. Chúng tôi đã cam kết với Thủ tướng sẽ kiểm soát được xâm nhập mặn, đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân ĐBSCL và sẽ chủ động về nguồn nước phục vụ cả sinh hoạt lẫn sản xuất trong thời gian tới", ông Hiện nhấn mạnh./.