Những ngày này, nhu cầu đi lại giao dịch, kinh doanh của người dân tăng cao khiến giao thông trên nhiều tuyến đường nội đô và những đường vành đai ra vào thành phố Hà Nội càng thêm đông đúc.

Vào giờ cao điểm, nhiều tuyến đường của Thủ đô rơi vào tình trạng hỗn loạn và ùn tắc kéo dài.

Mặc dù các ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố vẫn không giảm.

vov_tac_nghen_dynx.jpg
Vào giờ cao điểm, nhiều tuyến đường tại Hà Nội "không lối thoát"
Vào giờ cao điểm, sáng từ 7h – 8h và chiều từ 17h – 19h, khu vực bán đảo Linh Đàm chật kín người và phương tiện.

Các ngả đường từ Giải phóng vào khu vực này bị ùn tắc nghiêm trọng. Ùn tắc giao thông ở khu vực này lan ra cả những tuyến đường lân cận.

Ông Hoàng Văn Thanh, người dân ở đường Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, người dân đi làm vào giờ tan tầm, trục đường chính Nguyễn Hữu Thọ ra đường Giải Phóng bị ùn tắc kéo dài, nhất là đoạn dưới gầm đường trên cao thông ra cầu Dậu và đoạn từ siêu thị Linh Đàm ra đường Giải Phóng, khiến phương tiện phải nhích từng chút một.

Ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm là tình trạng chung ở nhiều khu vực của thành phố Hà Nội như: Khu vực cầu Long Biên (quận Long Biên), khu vực An Dương (quận Tây Hồ), khu vực đường Cầu Giấy, Xuân Thủy (quận Cầu Giấy). Nút giao giữa đường Nguyễn Chí Thanh - Trung Kính - Trung Hòa - Trần Duy Hưng luôn rơi vào tình trạng “tắc nghẽn” bởi dòng xe lưu thông hỗn loạn.

Đoạn đường qua bến xe Mỹ Đình cũng thường xuyên bị ùn tắc. Tuyến đường Trần Phú - Nguyễn Trãi (từ quận Thanh Xuân đi Hà Đông) vào giờ cao điểm, các điểm ùn tắc cục bộ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Các chiến sỹ Cảnh sát giao thông chốt trực, phân luồng giao thông trên đường cho biết, gần đến Tết, mặc dù lực lượng Cảnh sát giao thông đã huy động tối đa quân số, “căng sức” giải tỏa giao thông, nhưng ùn tắc cũng chỉ đỡ được phần nào.

Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Phó Đội trưởng, Đội Cảnh sát giao thông số 14 Hà Nội cho biết: “Chúng tôi phân công cho cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ từ 6h – 22h. Ngoài ra còn có các tổ tuần tra từ 18h – 6h sáng hôm sau. Các tổ tuần tra làm việc trên các tuyến, khi xảy ra ùn ứ thì đội bố trí các lực lượng để giải quyết kịp thời, đảm bảo thuận lợi cho người dân đi lại).

Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng là do hạ tầng giao thông đường bộ quá tải và ý thức của người tham gia giao thông kém. Để giải quyết ùn tắc, thành phố cần giải quyết được 2 vấn đề này.

Trước mắt, Sở Giao thông thành phố Hà Nội rà soát tất cả những công trình đang triển khai trên các tuyến đường để thu hẹp và tháo dỡ những rào chắn gây cản trở giao thông.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “Đối với thành phố Hà Nội, chúng ta phải tập trung tổ chức tốt giao thông tại các cửa ngõ ra vào thành phố trong dịp gần Tết. Chúng tôi kết nối giữa cơ quan quản lý với các cơ quan truyền thông để thông tin kịp thời tình trạng giao thông cũng như việc tổ chức vận tải tại các bến tàu, bến xe, giờ tàu, giờ xe để mọi người nắm được, tạo thuận lợi cho nhân dân khi lựa chọn những tuyến vận tải hành khách cũng như vận tải công cộng”.

Một trong những giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, từ nay đến Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm về trật tự giao thông, lấn chiếm vỉa hè trên các tuyến phố.

Sở Giao thông vận tải thành phố cũng bố trí thêm phương tiện giao thông công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân từ Hà Nội đi các tỉnh lân cận và ngược lại./.