Sáng 12/12, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo “Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông”.

Hội nghị có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học…

thu_phi1_vov_ttkm.jpg
Đại biểu tham dự Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo “Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông”

Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong – chủ đầu tư đề xuất thu phí với mức phí từ 30.000 đồng -50.000 đồng/lượt.

Cụ thể, 30.000 đồng cho taxi, 40.000 đồng đối với ôtô con, xe vận chuyển khách hợp đồng dưới 9 chỗ.

Đối với xe tải, xe khách, xe hợp đồng trên 9 chỗ cố định và xe vận chuyển khách du lịch là 50.000 đồng.

Việc thu phí sử dụng công nghệ thu phí đa làn không dừng kết hợp công nghệ hỗ trợ xử lý vi phạm.

Hệ thống thu phí tự động bao quanh khu vực trung tâm thành phố với 34 cổng thu phí, 1 trung tâm điều hành kết nối các cổng thu phí giúp thay đổi lộ trình giao thông.

Về thời gian thu phí, chỉ thu trong giờ cao điểm từ 6h - 9h và 16h - 19h.

Đơn vị này dự báo, nếu thu phí, lượng xe ô tô con sẽ giảm khoảng 49%, lượng xe khách và xe tải giảm 7,5% và vận tải hành khách công cộng tăng 8%, vận tốc lưu thông tăng 10,3%.

Dự kiến việc thu phí sẽ bắt đầu vào năm 2020. Dự án thực hiện trong vòng 15 năm, tạo nguồn thu trong vòng 15 năm là 15.000 tỷ.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia không đồng tình, cho rằng dự thảo này chưa đem lại hiệu quả cao.

Ông Đồng Văn Khiêm, thành viên Hội đồng tư vấn phản biện Ủy ban MTTQ TP.HCM cũng cho rằng, thành phố cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.

Quá trình thực hiện phải có sự đồng thuận cao từ người dân, sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố.

Luật sư Trương Thị Hoà, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, dự thảo này chưa đủ cơ sở pháp lý.

Phí và luật phí do Nhà nước quy định chỉ có 3 loại phí, trong đó không có phí chống ùn tắc giao thông.

Đặc biệt cần phải chú ý đến tác động xã hội./.