Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 với  nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến người lao động. Trước thời điểm luật có hiệu lực, sáng 17/12, Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội phối hợp với BHXH thành phố tổ chức đối thoại nhằm thông tin và giải đáp những khúc mắc của cán bộ công đoàn và người lao động liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH và Bộ luật Lao động.

doi_thoai_bao_hiem_zksr.jpg
Các cơ quan của thành phố đối thoại với người lao động

Tại buổi đối thoại, đại diện BHXH thành phố Hà Nội, Liên đoàn lao động thành phố, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hà Nội đã giải đáp các câu hỏi, các tình huống mà người lao động và cán bộ công đoàn nêu lên liên quan đến những điểm mới trong Luật BHXH sửa đổi như: cách thức tính mức đóng BHXH mới dựa trên tiền lương và phụ cấp, chế độ nghỉ thai sản cho lao động nữ và lao động nam khi vợ sinh con, đăng ký BHYT đối với lao động ngoại tỉnh, chi trả trợ cấp thất  nghiệp... 

Anh Đào Quang Thạch, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH HOEV, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết: “Tôi hỏi về bảo hiểm thất nghiệp đang áp dụng cho người lao động. Hiện tại có khoảng thời gian từ lúc thất nghiệp đến lúc hoàn thành xong thủ tục, khoảng nửa tháng người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi đề nghị cơ quan bảo hiểm tính chi trả sớm hơn. Cơ quan bảo hiểm trả lời là sẽ vẫn duy trì quy định hiện tại là người lao động hoàn thành thủ tục mới được chi trả”.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành BHXH nói riêng và Nhà nước cần có các biện pháp đẩy mạnh hơn nữa thông tin tuyên truyền về chính sách pháp luật liên quan đến BHXH, Bộ Luật Lao động, để người lao động có thể dễ dàng tiếp cận, từ đó nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia BHXH, BHYT.

Theo ông Bùi Ngọc Hà, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, ngay sau khi Luật BHYT sửa đổi được thông qua, bên cạnh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện thì công tác tuyên truyền cũng được đặc biệt chú trọng.

Ông Bùi Ngọc Hà nói: “Qua những lần đối thoại với người lao động, chất lượng về công tác tuyên truyền được nâng lên. Người lao động, chủ sử dụng lao động và các tổ chức đoàn thể như công đoàn, các cơ quan BHXH, sở lao động đều xác định rõ được chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện tốt hơn. Chủ sử dụng lao động, người lao động xác định rõ trách nhiệm của mình trong phạm vi điều chỉnh của luật”.

Đây không phải là lần đầu tiên Liên đoàn lao động thành phố tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hội nghị đối thoại về chính sách dành cho người lao động, mà tại công đoàn các cấp cũng đã chủ động đối thoại tuyên truyền tới người lao động.

Với sự nỗ lực của BHXH và các cấp công đoàn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT và với ý nghĩa nhân văn của nó sẽ có sức lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội./.