Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thanh Hóa, đến hết tháng 10/2015, toàn tỉnh Thanh Hóa có tới 2.793 đơn vị nợ đọng BHXH với tổng số tiền lên tới 290,2 tỷ đồng. Đặc biệt, trong đó có 889 đơn vị nợ đọng BHXH từ 3 tháng trở lên với số tiền 139,3 tỷ đồng.

bao_hiem_lxvx.jpg
Nhiều vụ việc công nhân đình công có nguyên nhân từ doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT.

Nguyên nhân dẫn đến việc nợ đọng BHXH đối với người lao động ở các đơn vị, phần do những doanh nghiệp gặp khó khăn chưa có khả năng thanh toán. Ngoài ra, nhiều chủ doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật về BHXH, có khả năng về tài chính nhưng vẫn cố tình nợ đọng, chây ì. Một số đơn vị dùng Ngân sách Nhà nước phần đóng BHXH nhưng không đóng mà để lại sử dụng vào mục đích khác.

Theo đánh giá thì tình hình nợ đọng BHXH trên là nghiêm trọng, xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, gây khó khăn trong quản lý quỹ và là nguyên nhân khiếu kiện đòi quyền lợi của người lao động, tiềm ẩn bất ổn xã hội.

Trước tình hình trên, BHXH Thanh Hóa đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo xử lý, đồng thời đề nghị gắn việc đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng hàng năm với trách nhiệm lãnh đạo thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT và tình trạng nợ đọng BHXH; xử lý nghiêm đối với những người đứng đầu đơn vị cố tình để tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT; không phê duyệt đơn vị còn nợ BHXH trúng thầu các công trình xây dựng có sử dụng NSNN và không xem xét thi đua, khen thưởng đối với các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT.

Trong các đơn vị nợ đọng BHXH, một số đơn vị có số nợ đọng lớn như: Cty CP xây dựng Hancorp.2 nợ lên tới 14,85 tỷ đồng; Cty CP xây dựng số 5 Bỉm Sơn, nợ đọng lên tới 9,01 tỷ đồng; Cty LICOGI 15 Bỉm Sơn số tiền nợ lên tới 9,3 tỷ đồng; Cty CP Bỉm Sơn Viglacera nợ lên tới 6,15 tỷ đồng; Cty TNHH một thành viên ô tô VINAXUKI nợ 2,39 tỷ đồng…/.