Những ngày gần đây, thông tin nhiều học sinh lớp 9, lớp 12 có học lực yếu kém bị nhà trường “vận động” yêu cầu viết cam kết, đơn xin không thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT đang trở thành tâm điểm dư luận.
Các trường được “xướng tên” trong việc “vận động” học sinh thì cho rằng không hề có việc ép hay vận động các em không tham gia các kỳ thi, hoặc nếu có thì những hoạt động này cũng nhằm tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh theo đúng chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, thực hư chuyện “vận động” vì hướng nghiệp hay để đảm bảo thành tích của nhà trường là câu hỏi được dư luận đặt ra sau những sự việc này.
Cô N.T.H, một giáo viên tại Hà Nội thừa nhận rằng, chuyện “vận động” học sinh không tham gia các kỳ thi chuyển cấp không phải năm nay mới có, chính giáo viên dù bất bình cũng không dám lên tiếng.
Cô N.T.H cho biết, bản thân từng nhận được “chỉ thị” miệng của hiệu trưởng về việc rà soát học sinh học lực yếu kém để “vận động” các em không thi tốt nghiệp THPT, tránh ảnh hưởng đến thành tích chung toàn trường. Dù không muốn, cảm thấy đây là hành động phi giáo dục, bất công với học sinh, nhưng yêu cầu từ cấp trên, cô N.T.H cũng như nhiều đồng nghiệp khác vẫn phải thực hiện.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII cho rằng, học tập là quyền của mọi người, mọi trẻ em đều có quyền được học, nội dung này đã được quy định rõ ràng trong hiến pháp. Việc các nhà trường hướng nghiệp là đúng đắn nhưng cần để học sinh tự nguyện, căn cứ trên nguyện vọng và năng lực của học sinh, không thể vì học lực yếu mà vận động, định hướng để các em không tham gia các kỳ thi.
“Nếu nhà trường vận động học sinh không thi để bảo vệ thành tích thì đang vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điều này càng không được phép xảy ra trong ngành giáo dục. Nhiệm vụ của giáo dục, của nhà trường là dạy dỗ trẻ từ trang giấy trắng trở thành những công dân có ích, có hiểu biết xã hội. Ngành giáo dục còn có nhiệm vụ cùng gia đình chăm sóc, định hướng, cổ vũ để các em có khát vọng vươn lên, nỗ lực rèn luyện từng ngày, biết say mê, trường học không thể là nơi gây tổn thương hay dập tắt những hy vọng của các em. Nếu như vậy không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là có lỗi với học sinh”, PGS.TS Bùi Thị An nói.
Nhìn một cách toàn diện vấn đề, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, căn nguyên của việc vận động học sinh không tham gia các kỳ thi có thể xuất phát thực từ lòng tốt của thầy cô, hiểu rõ năng lực của học sinh, mong muốn các em có định hướng tốt hơn. Nhưng cũng có thể, đằng sau việc vận động đó là nỗi sợ ảnh hưởng đến thành tích của một số lãnh đạo các trường: “Những chỉ đạo này hầu hết là chỉ đạo miệng, không có văn bản, để làm rõ thực sự khó. Hơn ai hết, chính những người trong cuộc sẽ tự hiểu rõ nhất có chỉ đạo hay không, có vì thành tích hay không. Tôi tha thiết mong rằng các nhà trường, thầy cô hãy vì lợi ích, sự phát triển của học sinh, tạo cho các em ước mơ, khát vọng, để các em hiểu trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần vươn lên”.
Cho rằng bệnh thành tích lâu nay vẫn tồn tại trong ngành giáo dục, theo PGS.TS Bùi Thị An, để giáo dục phát triển thì cần khắc phục triệt để căn bệnh này, cần hướng đến học thật, con người thật và thành tích không chỉ thể hiện qua điểm số.
Chia sẻ với những áp lực từ nhiều cấp mà giáo viên đang phải gánh chịu, PGS.TS Bùi Thị An hy vọng người đứng đầu ngành giáo dục cần sớm có những chỉ đạo cứng rắn về việc đẩy mạnh học thật, làm thật trong mỗi nhà trường.
“Tôi đánh giá rất cao những thầy cô sẵn sàng nhận và dạy những học sinh yếu kém, giúp các em vươn lên, tiến bộ từng ngày, đây thực sự là những thầy cô có tâm, có tầm trong lĩnh vực giáo dục. Sau những phản ánh của dư luận, dù khó, thì các Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT cũng cần rà soát, xác minh làm rõ những thông tin tiêu cực này, xử lý nghiêm nếu có sai phạm”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Còn theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, đã nói đến giáo dục, thì không nên phân loại học sinh dốt hay giỏi, cái khó nhất của mỗi nhà trường, giáo viên, gia đình là phát hiện ra con em mình giỏi ở điểm nào. Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào các môn Toán, Văn, Anh để đánh giá năng lực của một học sinh là giỏi hay yếu kém là hoàn toàn phiến diện.
“Gia đình cũng đừng nghĩ rằng con mình học kém môn Toán có nghĩa con học dốt. Đó là sự thất bại không chỉ trong nhà trường mà ở cả gia đình. Trong trường sư phạm, chúng tôi vẫn nhấn mạnh với sinh viên – những thầy cô giáo tương lai rằng cần phát hiện xem học sinh của mình giỏi cái gì – đó là nhiệm vụ của giáo viên. Nếu chỉ thuần túy phân loại các em trên điểm số một vài môn thì thực sự phiến diện. Nếu chỉ đánh giá trên Toán, Văn, chưa chắc chúng ta đã thấy một cầu thủ Quang Hải giỏi trên sân bóng. Nhìn chung quá trình phát triển năng lực của con người đều theo một logic chung, nhưng không ai giống ai và không thể áp dụng một công thức cho tất cả mọi người. Mỗi cá nhân là một sản phẩm độc đáo và đặc sắc với những năng lực riêng. Thậm chí, đánh giá mỗi cá nhân tại mỗi thời điểm cũng chưa chính xác mà cần nhìn vào cả quá trình”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền nhận định.
Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cũng nhấn mạnh, học tập là quyền của mỗi cá nhân, mỗi học sinh có quyền được quyết định hướng đi riêng của mình, nhà trường có quyền hướng nghiệp, nhưng quyết định do mỗi học sinh. Nhiệm vụ của mỗi nhà trường là cần nhìn ra điểm mạnh của mỗi em để định hướng học sinh phát huy đúng sở trường của mình./.