Mới đây, Báo điện tử VOV nhận được đơn thư phản ánh của bà N.T.H, phụ huynh Trường THPT Tự Lập (Mê Linh, Hà Nội), trong đơn thư, phụ huynh này cho biết, bà Chu Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường có nhiều việc làm gây bức xúc. Cụ thể, trong các khoản thu đầu năm theo quy định không hề có khoản tiền “xã hội hóa” hay “xây dựng trường”, thế nhưng đầu năm học 2020-2021, Trường THPT Tự Lập vẫn họp giáo viên chủ nhiệm cùng trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, yêu cầu mỗi học sinh đóng tiền “xã hội hóa” để xây lại gần 100m tường rào bị đổ.
“Tôi có tham gia ý kiến là việc xây dựng tường rào phải trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh, vì hiện nay nhà nước đã cấm thu tiền xã hội hóa. Tuy nhiên hiệu trưởng khăng khăng mỗi học sinh phải đóng 200.000 đồng. Tôi nằm trong ban đại diện hội cha mẹ học sinh nhà trường nhưng không được tham gia bàn bạc”, chị N.T.H cho biết.
Cũng theo phản ánh trong đơn thư của phụ huynh, nhà trường luôn nói thu quỹ cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện nhưng thực tế lại quy định mỗi học sinh phải đóng 200.000 đồng/năm, nhà trường trực tiếp quản lý số tiền đó. Phụ huynh cũng không hề biết số tiền đó được tiêu vào những việc gì.
“Trong một buổi họp giữa ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và các chi hội trưởng phụ huynh học sinh các lớp, tôi có thắc mắc về việc sao kê giải ngân số tiền trên nhưng câu trả lời không được thỏa đáng”, phụ huynh nêu rõ.
Ngoài ra, phụ huynh này cũng bức xúc về việc học sinh lớp 12 năm học 2020-2021 muốn mua quà tặng kỷ niệm nhà trường trước khi tốt nghiệp, tuy nhiên hiệu trưởng lại yêu cầu học sinh đóng mỗi em 200.000 đồng để lắp đặt đường điện cho nhà trường.
“Chúng tôi không đồng ý vì muốn tự tay mua quà bằng hiện vật kỷ niệm cho nhà trường để khi các con về thăm trường có kỷ niệm, nhưng hiệu trưởng không chấp nhận, sau đó chúng tôi có họp ban đại diện cha mẹ học sinh và thống nhất chỉ đóng 100.000 đồng/học sinh. Hiệu trưởng rất khó chịu và nói nếu vậy thì phải vài năm mới đủ tiền để lắp xong đường điện”, phụ huynh cho hay.
Cũng theo đơn thư, phụ huynh bức xúc trước việc hiệu trưởng yêu cầu các lớp phải đóng 250.000 đồng/học sinh để thuê điều hòa hàng năm. Nếu giáo viên không vận động được phụ huynh tham gia đầy đủ sẽ bị đánh giá là thiếu năng lực, cắt giảm các tiết dạy bổ trợ buổi chiều.
Vận động học sinh yếu kém không thi tốt nghiệp, giao chỉ tiêu 100% học sinh giỏi?
Không chỉ bức xúc về những vấn đề thu chi, phụ huynh này còn “tố” hiệu trưởng phân biệt đối xử, vận động học sinh yếu kém không thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo thành tích của nhà trường.
Có con học lớp 12 năm học 2020-2021, chị Dương Thị Hà cho biết, chính con trai chị được nhà trường “quan tâm đặc biệt”. Trong đợt kiểm tra học kỳ 2 năm học 2020-2021, con trai chị bất ngờ bị nhà trường yêu cầu thi phòng riêng, 1 giám thị - 1 học sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý học sinh.
“Khi đi thi về con rất buồn, thậm chí không ăn, tôi nghĩ đơn giản là con ốm, nhưng khi hỏi, con mới kể thật là khi vào phòng thi, trước khi phát đề, con được yêu cầu ra thi một phòng riêng, một mình một giám thị. Trong khi con tôi không hề có bất cứ vi phạm nào, không gian lận thi cử, cũng không liên quan đến Covid-19 để phải cách ly khỏi các bạn khác. Con chỉ có một vấn đề duy nhất là học lực kém. Bản thân con cũng rất cố gắng, nhưng năng lực không được như các bạn khác, việc nhà trường phân biệt đối xử ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý học tập của con, khiến con chán học, mất động lực cố gắng”, chị Dương Thị Hà bức xúc.
Phụ huynh này cũng cho biết, trước đó, nhiều lần đã nhận được thông tin từ giáo viên về việc nhà trường sẽ rà soát những học sinh có học lực yếu kém, “để đánh trượt luôn không cần thi tốt nghiệp THPT”.
“Tôi thấy đây là điều rất phi lý, nên nhiều lần hỏi lại các giáo viên và đều nhận được thông tin như vậy. Khi đưa con đến trường, chúng tôi hy vọng con được dạy dỗ, học hành, được bình đẳng, học sinh yếu kém lại càng cần sự dìu dắt, hỗ trợ từ nhà trường, thế nhưng lãnh đạo nhà trường lại làm điều ngược lại”, chị Hà chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, một số giáo viên trong trường cũng xác nhận việc mình nhận được chỉ đạo “miệng” từ hiệu trưởng, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn rà soát từng lớp, với những học sinh học lực kém, vận động các em chỉ nhận giấy chứng nhận hoàn thành hết lớp 12 và không tham gia thi, tránh ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường.
Một giáo viên khác cho biết, với các lớp “chọn”, hiệu trưởng nhà trường thường yêu cầu giáo viên “tự nhận” chỉ tiêu học sinh giỏi mỗi năm phải đạt 100%.
“Đây là chỉ tiêu không tưởng và không thể đạt được. Dù là lớp chọn, nhưng đầu vào của Trường THPT Tự Lập khá thấp, một lớp không thể yêu cầu tất cả các em đều đạt học lực giỏi. Bản thân là giáo viên, tôi thấy quá nặng bệnh thành tích, khiến cả giáo viên và học sinh đều áp lực, mệt mỏi. Đến cuối năm, khi không đạt được con số 100% này thì giáo viên chủ nhiệm sẽ bị hạ bậc thi đua”, một giáo viên tại trường cho biết.
“Tôi không làm gì sai”
Trước những phản ánh của phụ huynh, giáo viên, phóng viên đã có trao đổi với bà Chu Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng trường THPT Tự Lập, vị này liên tục khẳng định mình không làm gì sai, những thông tin phụ huynh và phản ánh của giáo viên đến báo chí chưa chính xác.
Về khoản tiền “xã hội hóa”, bà Chu Thị Thanh Thủy thừa nhận có thu tiền của mỗi học sinh, do ngày 30 Tết năm 2021, khoảng 80 mét tường bao sau trường bị đổ sập. Không có đủ điều kiện tự sửa chữa, trường đã kiến nghị phương án giải quyết lên Sở GD-ĐT Hà Nội.
“Đây là trường hợp bất thường, nên nếu không có nguồn kinh phí nào thì cần xã hội hóa, phụ huynh nào có nhiều đóng nhiều, có ít đóng ít, nhà trường không ép, cũng có đa số phụ huynh đồng ý nhưng cũng có một số phụ huynh không đồng ý. So với các trường trên địa bàn, trường có số học sinh ít nhất, nhưng lại có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, nên trường chỉ vận động chứ không phải cào bằng trên tổng sĩ số toàn trường”, bà Thủy nói.
Trước câu hỏi về việc các khoản tiền như xây dựng trường, chỉnh trang cơ sở vật chất đều nằm trong phần ngân sách các trường được cấp hàng năm, bà Thủy cho biết, trong khi các trường đều có khoản kinh phí để chống xuống cấp, nhưng năm 2020, Trường THPT Tự Lập không nhận được khoản tiền này, ngân sách hàng năm rót về trường cũng ở mức thấp nhất.
“Năm 2019 sau khi chi lương cho giáo viên, nhà trường còn hơn 1 tỷ để chi vào các hoạt động khác, nhưng năm 2020 chỉ còn lại mấy trăm triệu. Với số lượng hơn 60 cán bộ nhân viên, chúng tôi rất khó khăn”, bà Thủy khẳng định mình không sai khi thu khoản tiền này.
Về phản ánh liên quan đến thu chi, bà Thủy cho hay, năm 2020, học sinh lớp 12 ra trường có mong muốn tặng quà cho nhà trường. Song theo vị hiệu trưởng này, tặng quà cũng cần phù hợp với nhu cầu hiện tại của trường.
Trong khi cơ sở hạ tầng xuống cấp, đường điện không đủ để tải khi lắp điều hòa, nên trường phải lên phương án làm lại đường dây điện.
“Đường dây điện hết khoảng 80 triệu nên trường nói phụ huynh ủng hộ. Nếu tính chi li thì mỗi học sinh hết rất nhiều tiền nên cuối cùng mỗi con đóng 100.000 đồng. Thử hỏi có trường nào học sinh ra trường đóng 100.000 đồng tiền quà tặng cho nhà trường hay không? Những học sinh nghèo thì không cần ủng hộ, trường cũng không lấy tiền của các con”, Hiệu trưởng Chu Thị Thanh Thủy lý giải.
Theo bà Thủy, tổng tiền “quà’ thu được từ học sinh được khoảng 20 triệu đồng. Số tiền còn lại nhà trường đã tự bù.
“Ngân sách không có tiền chi cho những khoản này, đây là những khoản tiền bộc phát vì lắp điều hòa nên phải làm lại đường dây điện”, Hiệu trưởng lý giải.
Nói về khoản tiền quỹ CMHS, bà Thủy khẳng định nhà trường không quản lý mà chỉ giữ hộ, việc thu chi do phụ huynh học sinh thực hiện.
Đồng thời bà Thủy cũng phủ nhận thông tin yêu cầu các lớp phải thuê điều hòa và “trù dập” những giáo viên không thuyết phục được phụ huynh thuê điều hòa: “Việc giảm tiết như giáo viên nói hoàn toàn dựa trên đánh giá về năng lực của giáo viên chứ không phải do tôi trù dập”, bà Thúy khẳng định.
Liên quan đến thông tin tố cáo việc hiệu trưởng yêu cầu giáo viên phải đạt chỉ tiêu “trên trời” với 100% học sinh giỏi, bà Thủy cho hay, cả trường có 1 lớp chọn những học sinh có học lực tốt nhất. Hàng năm đều có sự thanh lọc, học sinh nào đạt học lực giỏi sẽ ở lại, nếu đạt học lực khá sẽ phải chuyển sang lớp khác. Do đó học sinh tại những lớp này đương nhiên giỏi, nếu học sinh đã giỏi, giáo viên lại cho điểm “khác” với năng lực của các em thì không được. Do đó, chỉ tiêu bám vào chất lượng thật.
Song vị hiệu trưởng vẫn khẳng định chỉ tiêu 100% học sinh phải đạt loại giỏi là do giáo viên tự nhận, trường không ép, chỉ tiêu này có sự khác nhau giữa các lớp và giữa từng giáo viên.
Trước tố cáo của phụ huynh và phản ánh của giáo viên về việc trường vận động những học sinh có học lực yếu kém không thi tốt nghiệp THPT, bà Thủy cho biết trường chỉ yêu cầu giáo viên rà soát những em học lực yếu để xem năng lực đến đâu, nếu học sinh có nhu cầu và có khả năng thi nhà trường sẽ bồi dưỡng.
Về trường hợp của học sinh bất ngờ bị buộc thi riêng, bà Thúy cho rằng bản thân không dạy nên không rõ học sinh học lực yếu, tuy nhiên qua phản ánh của giáo viên được biết em này không đủ kiến thức để thi tốt nghiệp. Vì “lo giáo viên cho vống điểm học sinh” nên nhà trường đã yêu cầu rà soát điểm thực bằng cách cho học sinh thi riêng để biết năng lực. Kết quả cho thấy khi ngồi thi một mình một phòng học sinh này có kết quả kém hơn hẳn so với khi thi cùng với các bạn trong lớp.
“Tôi không ra đề thi, cũng không trực tiếp trông khi, nên không thể nói tôi trù dập học sinh”, bà Chu Thị Thanh Thủy nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.