Hiện nay, sau giáo dục phổ thông, hệ thống giáo dục nước ta có quá nhiều loại hình: Trung cấp, Cao đẳng, Đại học (ĐH), sau ĐH, liên thông.

Tuy nhiên, hoạt động của các loại hình này còn nhiều nhiêu khê, rắc rối chưa tương thích với nền giáo dục của nhiều nước trên thế giới, nên cần phải làm rõ bằng cách phân tầng, xếp hạng các trường. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014 do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 15/8 tại 6 điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ.

dai_hoc_kvtf.jpgViệc phân tầng các trường ĐH, CĐ cần thực hiện sớm để nhân dân biết (ảnh minh họa)

Phân tầng các trường ĐH, CĐ sớm để nhân dân biết chất lượng

Luật Giáo dục ĐH đã nhấn mạnh đến việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ. Điều này không chỉ là khi đã được giao quyền tự chủ thì các trường được quyền chọn lựa phương án tuyển sinh phù hợp với trường mình mà phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo. Chính chất lượng đào tạo sẽ quyết định đến việc xếp hạng, phân tầng các trường ĐH. Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý là hiện nay việc đánh giá, xếp hạng, phân tầng các trường ĐH, CĐ được thực hiện bởi Chính phủ, cơ quan giáo dục hay những hiệp hội, tổ chức kiểm định độc lập.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, việc kiểm định chất lượng giáo dục để quyết định phân tầng các trường không nên để Bộ GD-ĐT làm mà hãy giao cho các tổ chức, hiệp hội kiểm định độc lập ngoài ngành Giáo dục. Bộ GD-ĐT hãy trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng về vấn đề này. Nếu cần thiết thì có thể đưa ra thảo luận tại Ủy ban Đổi mới Giáo dục quốc gia xem xét. Việc làm này rất cần thiết để nhân dân được biết, học sinh biết được chất lượng hoạt động của các trường như thế nào mà còn biết nộp đơn xin xét tuyển nếu như thực hiện phương án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại điểm cầu TP HCM nhấn mạnh đến vấn đề giao quyền tự chủ ngân sách cho các trường ĐH, CĐ (ảnh: Thanh niên)

Sớm tự chủ ngân sách trong hệ thống các trường ĐH, CĐ

Cùng với việc xếp hạng, kiểm định các trường ĐH, CĐ, vấn đề mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt quan tâm là tự chủ ngân sách của các trường ĐH, CĐ. Các trường phải mạnh dạn tự chủ tuyển sinh, không trông chờ vào ngân sách Nhà nước nữa.

Phó Thủ tướng nhớ lại 20 năm trước, nước ta có 11.000 doanh nghiệp Nhà nước nhưng trải qua nhiều lần sửa đổi luật và vượt qua biết bao khó khăn thì đến nay, cả nước chỉ còn dưới 1.000 doanh nghiệp quốc doanh. Nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã và đang hoạt động có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Mặc dù lĩnh vực giáo dục hoạt động không như các doanh nghiệp và không thể đem giáo dục ra kinh doanh nhưng ngành Giáo dục cần tính toán để quản lý hoạt động của các trường ĐH, CĐ được tốt hơn. Về phía các trường cần nghĩ tới hoạt động có hiệu quả dựa trên tiềm lực sẵn có của mình.

Vấn đề tự chủ tài chính cho các trường ĐH, CĐ và đổi mới thi tốt nghiệp THPT được các cán bộ lãnh đạo ngành Giáo dục thảo luận tại Hội nghị 

“Đối với các trường ĐH, CĐ công lập đã có sẵn lợi thế, tiềm lực về thời gian hoạt động, đất đai được Nhà nước phân cho, cơ sở vật chất được đầu tư thì hãy mạnh dạn tự chủ ngân sách, không nên trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách Nhà nước nữa. Nhà nước đã đầu tư rất nhiều cơ sở vật chất, tài chính cho trường công. Bây giờ, cần khuyến khích tinh thần tự chủ của các trường. Phải tính toán để các trường xin tự chủ, không để tình trạng tiền còn mấy chục tỷ đồng trong két trường mà không tiêu” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Hiện nay, đã có 4 trường ĐH công lập xin tự chủ tài chính. Phương hướng trong thời gian tới là các trường ĐH, CĐ sẽ thực hiện theo tinh thần này. Bộ GD-ĐT cần quyết liệt chỉ đạo và hướng dẫn các trường thực hiện vấn đề này để các trường có thể tự chủ về tài chính, nhân sự, chương trình đào tạo và có thể sớm đưa ra mức học phí. Bộ cần động viên các trường dũng cảm, mạnh dạn sớm thực hiện việc tự chủ tài chính để tất cả hệ thống các trường đều tham gia sớm và đồng bộ.

Bên cạnh việc tự chủ tài chính, ngân sách, trong thời gian tới, các trường ĐH, CĐ phải gánh một trọng trách quan trọng nữa là cùng với các trường THPT thực hiện tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới. Dù thi theo hình thức nào thì các trường cũng phải có trách nhiệm đảm bảo kỳ thi thực sự nghiêm túc, khách quan và trung thực. Bởi kỳ thi này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ xét tốt nghiệp cho học sinh mà còn để các trường ĐH, CĐ lấy đó thực hiện tuyển sinh vào trường và định hướng phát triển giáo dục ĐH trong tương lai./.