Tình trạng sạt lở bờ sông ở tỉnh Đồng Tháp đang diễn biến phức tạp. Sạt lở bờ sông đã xảy ra ở 35 xã, phường, thị trấn của 9/12 huyện, thị, thành phố của tỉnh này. Trong hơn 6 tháng qua, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ sạt lở bờ sông, làm mất đi hơn 30.000 m2 đất. Sạt lở là nỗi lo thường nhật của người dân và địa phương nơi vùng đầu nguồn lũ.
Cách đây hơn 1 tháng, khi đang ngủ, gia đình ông Trần Thanh Tùng, xã Tân Dương, huyện Lai Vung nghe có tiếng động lớn. Bờ tường chắn sóng trước nhà của gia đình đã đổ ụp xuống sông. Sau vài cơn mưa, sạt lở cứ ăn dần vào mép đường và uy hiếp đến hàng rào và gây vết nứt kéo dài gần 4 mét trong nhà ông. Đây là khu vực nằm ngoài công trình kè chống xói lở của xã Tân Dương. Sạt lở nằm ở phía trên công trình kè, có chiều dài gần 20 mét.
Bão số 1 gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương
Ông Trần Văn Tùng lo lắng, do ảnh hưởng của thủy triều và tác động của dòng chảy, sạt lở đã ăn sâu vào đường giao thông, tạo hàm ếch, làm hẹp con lộ, rất nguy hiểm, nhất là vào ban đêm.
“Trước kia, bờ kè của gia đình tôi làm cũng chắc chắn nên bây giờ hỏng, không ngờ nó lở ăn sâu vào đường. Đường này là đường chính nên khi người dân đi qua lại đây rất nguy hiểm. Mong sao chính quyền địa phương sớm làm kè cho các em học sinh đi học an toàn”- ông Trần Văn Tùng nói.
Vừa qua, tại phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, xảy ra vụ sạt lở bờ sông Tiền với chiều dài hơn 50 mét, ăn sâu vào đất liền hơn 15 mét, làm thiệt hại hơn 100 triệu đồng và nhiều tài sản, hoa màu của người dân, gây hoang mang cho cư dân sinh sống ở khu vực này.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền khu vực Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, phường 11, thành phố Cao Lãnh và chỉ đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, chọn đơn vị thi công, triển khai khẩn cấp công tác khắc phục sự cố, hạn chế sạt lở bờ sông, không để ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản và phương tiện lưu thông qua lại.
Ông Trần Quang Khải, Công ty cổ phần đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương, đơn vị thi công công trình chống sạt lở cho biết: “Sau khi nhận được quyết định của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thì đơn vị thi công đã triển khai huy động xà lan cát, lắp vào các vị trí hố xoáy.
Kế hoạch tiếp theo thì đơn vị thi công sẽ trải vãi thả thảm và chặn kịp thời sạt lở. Do cơ sở vật chất và nhân công của doanh nghiệp rất nhiều nên đơn vị thi công bằng mọi giá sẽ đẩy nhanh tiến độ đảm bảo công trình sớm đưa vào sử dụng”.
Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, địa phương này hiện có gần 2 ngàn hộ nằm trong vành đai sạt lở, 13 căn nhà phải di dời khẩn cấp và 73 hộ khác phải di dời nhà đến nơi an toàn.
Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước tiên sẽ đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương nhanh chóng ổn định dân cư và bố trí phương án khắc phục.
Hiện Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đồng Tháp đang cho tập trung rà soát hết trên địa bàn toàn tỉnh các vành đai sạt lở. Theo tổng hợp của Sở thì còn khoảng 1900 hộ dân phải di dời trong vành đai sạt lở. Tỉnh cũng đang có kế hoạch chờ xin vốn cơ quan Trung ương để làm 8 cụm tuyến dân cư để di dời người dân khỏi vành đai sạt lở nguy hiểm.
Là địa phương đầu nguồn có vị trị tiếp giáp với sông Tiền và sông Hậu, hàng năm, Đồng Tháp chịu tác động mạnh của tình trạng sạt lở. Thời gian tới, với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, mức độ và cường độ sạt lở sẽ còn phức tạp hơn.
Do đó, chính quyền các cấp và người dân, ngoài các biện pháp cấp bách và lâu dài, cần nâng cao cảnh giác về sạt, lở để có thể hạn chế tới mức thấp nhất đến tính mạng và tài sản của nhân dân./.