Liên quan đến đề xuất di dời tuyến đường sắt và Ga Hà Nội ra khỏi nội đô, nhiều chuyên gia cho rằng, không thể di chuyển đường sắt quốc gia ra ngoài trung tâm trong khi nhu cầu đi lại của người dân rất lớn. Hơn nữa, đường sắt trên toàn thế giới thể hiện 2 ưu việt, đó là tính an toàn và nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân.
Vô cùng tốn kém
Trước đề xuất di chuyển ga Hà Nội ra khỏi trung tâm thành phố của Công an TP. Hà Nội, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch kiến trúc đô thị Hà Nội cho rằng: "Nếu như di chuyển cả hệ thống ra thì các hệ thống đường ray cho đến hệ thống nhà ga phải được di dời hết, như vậy thì vô cùng tốn kém, thậm chí phải thuê chuyên gia nước ngoài".
Theo ông Nghiêm, xây dựng nhà ga hành khách thì không tốn kém nhiều nhưng cả khu nhà ga chính và các tuyến đường ray là vô cùng quan trọng, đặc biệt phải kết nối thêm cả mấy chục km đường ray là vấn đề vô cùng khó khăn, không đơn giản.
"Ga Hà Nội là điểm kết nối của 6 tuyến đường sắt bao gồm đường sắt đô thị và đường sắt Bắc - Nam, hiện hệ thống đường sắt này chưa hề có điều chỉnh lớn. Đặc biệt, trong quy hoạch được Thủ tướng duyệt năm 2011, cũng đã khẳng định rõ các hệ thống tuyến đường, trong đó có tuyến ga này phải được giữ nguyên”, ông Nghiêm phân tích.
Mỗi ngày có hàng trăm đôi tàu với cả nghìn hành khách đi lại trên tuyến đường sắt Thống Nhất tại ga Hà Nội. |
Thứ hai, đây là di sản nên phải thận trọng trong đề xuất. Mặt khác, nên tôn trọng quy hoạch đã được phê duyệt, nếu thay đổi thì phải điều chỉnh toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông trong đó có các tuyến đường sắt công cộng.
Đặc biệt, trong các văn bản, Luật cao nhất đó là Luật thủ đô cũng có câu "Quy hoạch chung đã được phê duyệt là cơ sở để phát triển và quản lý đô thị của thủ đô Hà Nội, nếu làm thay đổi thì phải cân nhắc, thận trọng".
"Đề xuất di chuyển ga Hà Nội là không hợp lý về quy hoạch, về tầm nhìn xa và cả về bảo tồn giá trị di sản", ông Nghiêm khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch hội KST Việt Nam, trong quy hoạch được phê duyệt, người ta vẫn khẳng định ga Hàng Cỏ là ga hành khách chứ không phải ga đầu mối. Vì thế, bây giờ chỉ có thể điều chỉnh chức năng hoạt động của ga, chứ không thể phá bỏ, di chuyển nhà ga, phải căn cứ quy hoạch chung được Thủ tướng duyệt và Luật thủ đô quy định.
Hơn nữa, bản thân nhà ga cũng là di sản kiến trúc qua nhiều giai đoạn, đặc trưng cho kiến trúc Pháp, đồng thời sau chiến tranh phá hoại, việc xây dựng lại cũng đã thể hiện quyết tâm nội lực của đất nước, vì vậy, không nên vội vàng thay đổi chức năng để làm mất giá trị di sản.
Lộn xộn hơn, tăng mật độ đi lại
Theo Chuyên gia giao thông đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy, trước đây ông cũng đã làm một số đề tài liên quan đến các phương án có nên di chuyển ga Hà Nội ra khỏi trung tâm thành phố hay không, có 2 phương án: Một là, giữ nguyên ga Hà Nội ở vị trí cũ, vẫn là ga Hàng Cỏ; Hai là, giữ nguyên ga Hà Nội chuyển về phía Cầu Diễn".
Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm của mình, ông Thủy khẳng định: "Theo công an thành phố Hà Nội thì việc di chuyển ga Hà Nội sẽ giảm bớt mức độ tập trung ở ga, nhưng xét về mặt vận tải, quy hoạch giao thông, nhìn nhận một cách khách quan, hợp lý và khoa học, thì việc di chuyển nhà ga là sai lầm".
TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích về lợi ích của việc đặt ga ở trung tâm thành phố, "Thứ nhất, chúng ta sẽ tạo được một đầu mối giao thông, từ đó liên kết với các phương tiện khác, nghĩa là kết nối hạ tầng giao thông. Thứ hai, việc để ga ở trung tâm sẽ giảm bớt cự li đi lại và lưu lượng đi lại giữa các tuyến với nhau".
Theo ông Thủy, việc đưa ga ra ngoài trung tâm thì sẽ phá vỡ kết nối giao thông đô thị và nảy sinh nhiều vấn đề.
Thứ nhất, như ga Hà Nội hiện nay, sau này quy hoạch phía dưới sân ga có tàu điện ngầm, bên cạnh là trạm xe bus và các điểm đỗ taxi, khi làm được như vậy, rõ ràng khi người dân có nhu cầu muốn đi các địa phương như TP. HCM, Hải Phòng, Lào Cai, thì có thể đi bằng các phương tiện giao thông đến đó rồi lên tàu.
Chuyên gia giao thông đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy. |
Ngược lại, nếu hành khách ở các nơi về Hà Nội, đến ga cũng có ngay tàu điện ngầm, phương tiện công cộng để di chuyển đến nơi khác thuận tiện.
“Cho nên, nếu đưa ra ngoài thì kết nối giao thông chắc chắn sẽ khó khăn vì tàu điện ngầm không thể đưa ra ngoài, chỉ chạy được ở nội thành, các tuyến xe bus, taxi phải chạy ra ngoại thành để đón khách tàu hỏa thì rất bất tiện, tốn kém thêm chi phí và thời gian, gây mất trật tự an toàn giao thông”, ông Thủy phân tích.
Thứ hai, khi đưa ga ra ngoài thì người dân trong thành phố muốn đi đâu thì phải sử dụng các phương tiện đi ra ngoại thành để đi tàu hỏa, nếu như vậy sẽ gây lộn xộn, bất tiện, mất trật tự an toàn giao thông hơn rất nhiều.
"Tôi cho rằng họ mới chỉ nhìn về vấn đề trật tự, muốn đưa ga ra ngoài đỡ lộn xộn, nhưng làm như vậy sẽ lộn xộn hơn, mất an toàn hơn, làm tăng nhịp độ đi lại, mất trật tự nhiều hơn. Vì thế đây là đề xuất bất hợp lý, thiếu khoa học, không phù hợp với mạng lưới giao thông của thành phố, gây bất cập, khó khăn cho người đi lại", ông Thủy khẳng định.
Mặt khác, nếu muốn chuyển ga ra ngoài cũng phải mất vài chục nghìn tỷ trong khi người Pháp đã chọn vị trí nhà ga như vậy là khá hợp lý. Nếu cả hệ thống ga được đưa ra ngoài, có hàng chục đôi đường sắt, xây dựng lại hết sức đắt tiền, khi đó, mạng lưới, kết nối giao thông sẽ bị phá vỡ, gây lãng phí, chồng chéo, khó khăn cho người đi lại.
Nên chọn phương án giao thoa
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, phó trưởng khoa Vận tải kinh tế, Đại học Giao thông vận tải, phó chủ tịch Hội Đường sắt Việt Nam thì nên cho phương án giao thoa.
Xét ở góc độ địa bàn quản lý, đề xuất của đại diện Công an Hà Nội là có cơ sở, xuất phát từ tình hình thực tế về ùn tắc và tai nạn giao thông liên quan tới vận tải đường sắt. Tuy nhiên, để có thể di dời ga trung tâm ra ngoại thành là một bài toán rất phức tạp.
“Ngành đường sắt muốn bảo vệ nguồn lợi khai thác từ ngành mình cũng là chính đáng. Còn phía Hà Nội thấy quản lý, vận hành khó khăn thì họ đề xuất trên là cũng dễ hiểu, nhưng phải xem lại tính khả thi.
Muốn di dời thì kinh phí rất lớn, từ quỹ đất, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, vận hành… Tất cả lấy từ đâu trong bối cảnh ngân sách khó khăn và đầu tư công đang được hạn chế như hiện nay? Do vậy, theo tôi nên chọn phương án giao thoa để đảm bảo tính khả thi và cân bằng lợi ích hai bên”, ông Thái đề xuất.
Di dời ga Hà Nội: Trái quy hoạch và chiến lược phát triển đường sắt?
Đề xuất di dời ga Hà Nội: Phải nhìn tổng thể, tránh chắp vá tùy tiện
Theo đó, ông Thái cho rằng một mặt ngành đường sắt cần rà soát lại hệ thống đường ray hiện có, với những điểm xung đột nếu có thể đi trên cao hoặc hạ ngầm khả thi để tránh xung đột cần phải nghiên cứu triển khai.
Ngoài ra, cần điều chỉnh giờ vào - ra của các chuyến tàu, tránh giờ cao điểm để giảm ùn tắc và xung đột cho giao thông đường bộ của Hà Nội hiện tại.
Về phía Hà Nội, ông Thái đề nghị cần tăng cường rà soát hệ thống hành lang đường sắt, giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm, cản trở. Ngoài ra, việc huy động lực lượng chức năng chuyên nghiệp trong giám sát, vận hành các tuyến giao thông giao cắt với đường sắt cũng sẽ giúp giảm thiểu tối đa ùn tắc và tai nạn giao thông./.