Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) với mô hình dạy học 2 buổi/ngày đã và đang hỗ trợ nhiều địa phương khó khăn trong cả nước trong việc nâng cao cơ sở vật chất trường lớp và thu hút trẻ em đến trường đều đặn hơn.

Được thực hiện thí điểm tại 36 tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn từ tháng 10/2009-10/2015, tính đến ngày 31/12/2012, đã có 1.348 trường tiểu học (với 3.871 điểm trường và 22.24 lớp học) tham gia chương trình SEQAP. Hơn 3 năm qua, có gần 500 học sinh đã được học cả ngày, trong đó có 32,5% học sinh thuộc hộ nghèo.

anh-trong.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị Kiểm điểm tiến độ thực hiện chương trình SEQAP diễn ra sáng 27/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá, chương trình SEQAP đã cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học ở Việt Nam, giảm chênh lệch về trình độ học tập giữa học sinh ở thành thị và những vùng, miền khó khăn.

Nhiệm vụ của chương trình là hướng tới có nhiều học sinh tiểu học ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn đều được đi học và tích cực đến trường thường xuyên, không bỏ học giữa chừng.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, ngoài ngân sách của Chính phủ, sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài, các địa phương cần chủ động thu hút thêm nguồn lực xã hội đóng góp cho phát triển giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp để đảm bảo cho tất cả học sinh tiểu học ở những địa phương được học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng nên nghiên cứu để quy hoạch và thu hút đội ngũ giáo viên có năng lực đến những vùng khó khăn giảng dạy.

Việc tập huấn cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn cũng cần được chú trọng như: mở lớp tập huấn cho giáo viên tiếp cận với những kiến thức, thực hành giảng dạy theo chương trình đào tạo đổi mới để về áp dụng tại địa phương.

Nhằm phục vụ cho mục tiêu của Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT giai đoạn 2011-2016 thực hiện Nghị quyết số 06/NQCP ngày 7/3/2012 của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang cùng với các địa phương trong cả nước nghiên cứu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, phấn đấu đến năm 2015 có 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, 30% học sinh THCS và 25% học sinh THPT được học 2 buổi/ngày./.