Mỗi năm có hàng trăm học sinh Thủ đô bỏ ra hàng tỷ đồng để du học nước ngoài hoặc vào các trường quốc tế do dịch vụ giáo dục trong nước chưa đáp ứng yêu cầu. Năm 2015, Hà Nội sẽ có 35 trường công chất lượng cao với  mức học phí cao nhằm tạo sự bứt phá chất lượng giáo dục, tránh bị thua ngay trên “sân nhà”…

Tăng sức cạnh tranh

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô rất đa dạng. Mong muốn con em mình được học tập, rèn luyện trong một môi trường giáo dục tiên tiến, hiện đại, được thụ hưởng các điều kiện về CSVC và giáo dục chất lượng cao là nhu cầu của không ít phụ huynh. Nắm bắt được thực tế này, trong những năm gần đây, trên địa bàn Tp. Hà Nội xuất hiện một số trường ngoài công lập tự phong cho mình cái tên “quốc tế” hay “chất lượng cao”, “VIP” nhằm thu hút sự lựa chọn của các bậc phụ huynh học sinh khá giả… Tuy nhiên, thực tế, hiện nay một số trường mới chỉ dừng ở dạng cung ứng dịch vụ “chất lượng cao” trong điều kiện hiện có, còn chất lượng giáo dục cao hay thấp thì chưa được cơ quan công nhận. Thậm chí, có những cơ sở hoạt động vì lợi nhuận thay vì giáo dục thực chất, khiến người dân hoài nghi về dịch vụ CLC của ngành Giáo dục.

Trước đòi hỏi bức thiết về một môi trường giáo dục thực sự có chất lượng cao của không ít phụ huynh, một số nhà đầu tư nước ngoài đã “tiên phong” đầu tư xây dựng trường theo mô hình các nước tiên tiến để thu hút học sinh nước ngoài đang sinh sống tại Hà Nội và một bộ phận học sinh Việt Nam. Hầu hết các trường này đều có cơ sở vật chất hiện đại, chương trình giảng dạy tiên tiến, đội ngũ giáo viên nước ngoài có phẩm chất tốt nên nhiều phụ huynh vẫn chấp nhận mức học phí cao khoảng từ 200 tới 300 triệu VNĐ cho một năm học. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại lo ngại là con em họ sẽ bị mất gốc Việt hoặc nửa Tây, nửa ta khi được giáo dục trong môi trường này.Thực tế, từ 8 năm lại đây, Hà Nội đã thực hiện thí điểm 18 trường công lập chất lượng cao (CLC) như: Mầm non 20/10, Tiểu học Tràng An, THCS Cầu Giấy, THPT Phan Huy Chú, Tiểu học và THPT Nguyễn Siêu… Đến nay,các trường này đều đã có những bước đội phá khẳng định được thương hiệu của trường và được phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em.

truong-phc.jpg
Trường THPT Phan Huy Chú

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng THPT Phan Huy Chú, một trong những trường thí điểm cho biết:“ Sau 5 năm triển khai, hiệu quả về chất lượng giáo dục mà mô hình này mang lại rất rõ rệt. Cụ thể,nếu năm 2008, nhà trường chỉ tuyển 2 lớp CLC thì đến nay đã tăng lên có 18/29 lớp để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. (Năm 2015 sẽ tiến tới là 100% lớp CLC). Dù chất lượng đầu vào của trường chỉ ở mức trung bình  nhưng đầu ra của trường lại luôn dẫn ở tốp đầu với 100% đỗ tốt nghiệp. Và ở các lớp CLC hàng năm có tới 95% đỗ đại học, có lớp tỷ lệ đỗ là 100%”.Ngôi trường có 100% phòng học được đầu tư thiết bị dạy học hiện đại.

Trường tiểu học Tràng An-  một thương hiệu CLC của Hà Nội

Bà Lê Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bán công Tràng An cho biết: Trong nhiều năm qua nhà trường đã nỗ lực khẳng định chất lượng giáo dục và nhiều phụ huynh đã tin tưởng gửi gắm con em. Năm học này, trường được Thành phố chọn để thực hiện mô hình trường chất lượng cao. Ngay trong trước đợt tuyển sinh năm học này trường cũng đã thông báo cho phụ huynh dự kiến mức học phí mới là khoảng 2 triệu đồng/tháng để phụ huynh quyết định (trường không tuyển học sinh theo tuyến). Kết quả bất ngờ là, do nhu cầu phụ huynh cao nên dù ban đầu trường dự định tuyển sinh 5 lớp khối lớp 1 nhưng cuối cùng phải tuyển thành 6 lớp. Để áp dụng mức học phí mới của trường CLC, trường cũng đã xây dựng đề án triển khai thực hiện theo 5 tiêu chí của trường CLC. Tuy nhiên, sau nhiều năm qua triển khai các trường cho rằng, do không có chính sách tài chính cụ thể đi kèm nên hoạt động rất khó khăn, kìm hãm sự phát triển của mô hình CLC này.

Nâng cao mũi nhọn và phi lợi nhuận

Mong muốn của nhiều phụ huynh là con em được học tập, rèn luyện trong một môi trường giáo dục tiên tiến, hiện đại, được thụ hưởng các điều kiện về CSVC và giáo dục chất lượng cao giống như những cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài nhưng những với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, để có môi trường giáp dục như vậy thì cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ theo cách “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đại diện Sở GD - ĐT khẳng định, mục đích cuối cùng của mô hình trường công chất lượng cao  chính là tạo sự bứt phá mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, nâng cao sức cạnh tranh lành mạnh và đặc biệt là là mô hình hoạt động phi lợi nhuận.

Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Tiêu chí về trường CLC và  Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập CLC. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định đây là sáng tạo của thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân...

Trong năm học 2013-2014, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2.900.000 đồng, trường THCS và PTTH là 3.000.000 đồng. Tiếp đó, năm học 2014-2015, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học được quy định là 3.200.000 đồng, trường THCS và PTTH là 3.400.000 đồng. Đây là nội dung của Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội được HĐND TP Hà Nội thông qua mới đây.

Tuy nhiên, trước những đổi mới “táo bạo” trong giáo dục của Hà Nội, dư luận đang lo ngại rằng, việc chọn trường công lập để chuyển sang trường CLC sẽ đẩy một bộ phận học sinh, trong đó có cả học sinh giỏi ra khỏi trường đang học do gia đình không có khả năng đóng góp. Điều này làm mất đi sự công bằng trong giáo dục công. Tuy nhiên, thực tế là, từ lâu Hà Nội đã có 4 trường THPT chuyên, được Nhà nước cấp ngân sách và đầu tư xây dựng CSVC khang trang, hiện đại, được đánh giá là những trường đứng hàng đầu của Hà Nội về chất lượng giáo dục. Mức học phí là 35.000 đồng/tháng/HS. Bên cạnh đó là hệ thống các trường chuẩn quốc gia. Như vậy, hiện nay Hà Nội có một hệ thống các trường THPT CLC hàng đầu không phân biệt giàu nghèo nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội thì, tỷ lệ học sinh trong các trường công lập hiện nay của Hà Nội đạt khá cao so với quy định chung. Cụ thể là khối mầm non đã phổ cập hoàn toàn trẻ mầm non 5 tuổi; Khối tiểu học và THCS: 97%; khối THPT:67%. Nếu nơi nào chưa đảm bảo phổ cập cho HS trên địa bàn thì sẽ không được phép triển khai mô hình CLC. “Còn với băn khoăn là học sinh đang học trong các trường này sẽ bị đẩy ra nếu không theo được mức học phí mới thì tôi khẳng định là không có chuyện đó. Với những học sinh đang theo học các em có hai lựa chọn một là: tiếp tục theo học chương trình cũ, với mức học phí cũ; hai là học lớp CLC với mức học phí mới. Còn với khóa học sinh mới tuyển vào năm học này thì sẽ hoàn toàn vào các lớp CLC”- Ông Phạm Văn Đại cho biết.

Cái được lớn nữa khi thực hiện mô hình CLC đó là, khi một lượng lớn con em có điều kiện học ở các trường CLC sẽ giảm tải các trường công lập, học sinh sẽ có nhiều lựa chọn và nhiều chỗ học cho các em đúng tuyến được học ở những trường chuẩn quốc gia. Đặc biệt là, Ngân sách Nhà nước sẽ tập trung vào các trường công lập nhiều hơn ở những năm sau. Bởi lẽ,  sau ba năm đầu, nhà nước sẽ không cấp kinh phí thường xuyên cho trường CLC, nguồn kinh phí đó sẽ dồn về các trường công và sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy chất lượng giáo dục đồng bộ phát triển. Như vậy, chúng ta có thể cả nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và chất lượng đại trà” - Ông Phạm Văn Đại, Phó GĐ Sở GD-ĐT cho biết. Trước ý kiến cho rằng mô hình trường CLC sẽ hoạt động vì lợi nhuận, đại diện Sở GD-ĐT khẳng định: Đây là một mô hình giáo dục phi lợinhuận nên tiền học phí sẽ để tái đầu tư cho giảng dạy và học tập.

Về chủ trương 35 trường CLC vào năm 2015 ( cả chuyển đổi từ trường công và xây mới), ông Phạm Văn Đại cũng khẳng định: Chủ trương xây dựng các trường CLC theo quy định của Luật Thủ đô là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, việc phát triển trường CLC ( Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu theo tiêu chí trường CLC chuẩn quốc tế, chi phí cho các hoạt động giáo dục của trường CLC do người học đóng góp, học sinh vào học hoàn toàn tự nguyện) vẫn con là điều quá mới mẻ, do đó trong xã hội nhiều người chưa hiểu vì vẫn cho rằng các trường công lập thì phải giống nhau về mức học phí. Trong khi yêu cầu về trường CLC đều hướng tới chuẩn quốc tế, chương trình tiên tiến.

Tới đây, từ năm học 2013-2014, tất cả các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, các trường ngoài công lập, các trường công lập được gọi là trường CLC khi đã đảm bảo đầy đủ 5 tiêu chí. Các trường công lập đang thí điểm xây dựng các mô hình này chỉ được thu học phí trong khuôn khổ của Nghị quyết số 15/2013/-HĐND và không được thu thêm bất cứ khoản thu nào khác.

Có thể nói, đây là giải pháp để xây dựng một số trường công mà ở đó thật sự có đủ kinh phí để trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy... đảm bảo điều kiện tối thiểu để dạy ra dạy, học ra học. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của con em thủ đô mà còn tạo bứt phá nâng cao chất lượng giáo dục, tăng sức cạnh tranh, tránh "chảy máu ngoại tệ” như hiện nay…/.

Theo QĐ số 20, Bộ tiêu chí bao gồm 5 tiêu chí sau: CSVC, đội ngũ CBQL-GV, chương trình, phương pháp giảng dạy, dịch vụ trong giáo dục; xây dựng quy định về việc bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao của các trường (theo QĐ số 21), trong đó nói rõ về việc xây dựng và thẩm định chương trình giáo dục bổ sung. Nhân dân tham gia đóng góp kinh phí để chi các hoạt động thường xuyên; tham gia quản lý nhà trường; cử đại diện cha mẹ học sinh tham gia hội động trường để xây dựng các chiến lược phát triển, quản lý vận hành nhà trường…

GS Trần Hồng Quân: Trước đây nhà nước bao cấp, giờ nhà nước bớt bao cấp đi và giao cho họ quyền tự chủ, tự thu, tự chi và đúng ra là dần dần phải khấu hao. Nghĩa là, dần dần xã hội phải gánh cái chi phí này để đảm bảo chất lượng, đó cũng chính là quá trình xã hội hóa giáo dục. Khi đó, sẽ tạo ra sự bình đẳng trong các trường tư và trường công trong các hoạt động thường xuyên, tất nhiên nó không bình đẳng về sự đầu tư ban đầu.