Chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Quốc gia chuyên kết nối với thính giả là “Người bạn Truyền thanh” vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Một trong những người phụ trách chương trình là cố nhà báo Nguyễn Thành, cựu Ủy viên Bộ Biên tập Đài TNVN, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh Giải phóng A. Có lần ông tâm sự: “Có làm Người bạn Truyền thanh mới gần gũi thính giả, mới thấy Đài là bạn thân thiết của mỗi người, mỗi gia đình”.

Tổng Biên tập Trần Lâm trong ngày bàn giao công việc cho Tổng Giám đốc Phan Quang để nghỉ hưu nói: “Việc cuối cùng tôi thấy có ích cho Đài là xây dựng Ban Thính giả”.

Tết Nguyên đán đầu tiên nhậm chức Tổng Giám đốc Đài TNVN, nhà báo Phan Quang chọn chương trình “Tiếp chuyện bạn nghe đài” để trò chuyện với thính giả cả nước.

Từ “thính giả” đến “bạn nghe đài” không chỉ là thay đổi câu chữ mà là sự đổi thay về quan niệm, về cách nhìn nhận của Đài Phát thanh Quốc gia với người nghe, và ngược lại.

toa_dam_wznz.jpg
Tác giả (giữa) trong một chương trình phát thanh trực tiếp trên VOV1

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thính giả Đài TNVN không chỉ là người nghe mà còn là người góp ý. Nhiều người trong đó trở thành cộng tác viên, rồi phóng viên, biên tập viên chính thức, sống với Đài đến trọn đời. Trong những lúc gian nan, nguy hiểm nhất, người nghe đài trở thành người bảo vệ Đài. Gắn bó máu thịt như vậy nên người nghe đài được gọi một cách trân trọng là “thính giả”. Những năm dài của phát thanh truyền thống, trước mặt phát thanh viên là khẩu hiệu “chúng ta đang nói cho hàng triệu người nghe.”.

Từ nội dung đến hình thức thể hiện là “đại chúng”. Một thời gian dài, do khó khăn về kỹ thuật và tài chính, Đài Phát thanh Quốc gia chỉ phát ngày 3 buổi: sáng – trưa – chiều tối. Thính giả được nghe đài, phải nghe đài mà không được quyền lựa chọn. Thông tin chủ yếu là từ trên xuống, là những gì Đài có mà không phải vì thính giả cần, muốn nghe gì.

Người nghe trở thành “thính giả” xa cách. “Kính nhi viễn chi”, Thời “bao cấp” Đài tuyên truyền một chiều đến mức có thính giả ở địa phương bị mất mùa nói mỉa: “Muốn được mùa thì mang liềm, hái đến 58 Quán Sứ mà gặt”. Thời của đồng dao “Qua Đài ngả nón trông Đài/Đài bao nhiêu sóng, nói dài bấy nhiêu”.

Cuối năm 1988, sau hai năm thực sự đổi mới nội dung, Đài TNVN bắt đầu đổi mới làn sóng. Việc đầu tiên là phát sóng liên tục từ 4h55 - 22h và sau đó là 12h.

Đến năm 1989 – 1990, Đài phát chương trình “Âm nhạc và Tin tức” trên sóng FM, đồng thời từ chương trình Đối Nội tách thành hai hệ: Thời sự (VOV1) và Văn hóa – Đời sống (VOV2). Như vậy, đến cuối năm 1990, lần đầu tiên thính già Đài Quốc gia được lựa chọn chương trình phát thanh thích hợp để nghe. Cú hích đầu tiên này đã tạo nên cách nghe đài mới; nghe chủ động, nghe tự giác, nghe chương trình, tiết mục yêu thích, theo múi giờ thích hợp.

Cũng chính từ đây đòi hỏi của thính giả ngày một cao hơn, cả nội dung thông tin lẫn thưởng thức âm nhạc, văn nghệ. Thính giả gần gụi, góp ý với Đài thẳng thắn hơn, chi ly hơn. Thính giả trờ thành bạn của Đài. Tiếp thu ý kiến của người nghe, lãnh đạo Đài TNVN thay đổi xưng hô từ “thính giả” sang “bạn nghe đài”.

Ban Thính giả không chỉ được đổi tên thành “Ban Bạn nghe đài” mà quan trọng là chuyển đổi nội dung thông tin, cách tiếp nhận thông tin từ thính giả. Đây là cánh cửa mở để bạn nghe đài trực tiếp đến Phòng tiếp dân của Đài bày tỏ ý kiến, đóng góp ý kiến cho Đài, cho Chính phủ. Theo đó nội dung tố cáo, khiếu nại của công dân ngày càng nhiều. “Tiếp chuyện bạn nghe đài” trở thành chương trình phát thanh có nhiều người nghe sau Thời sự.

Trong xu hướng cởi mở, những người nghe đài lớn tuổi đề nghị Đài xem lại câu chào đầu và cuối chương trình là “các bạn thân mến”, “thân ái chào các bạn”. Xưng hô như vậy là chưa tôn trọng người nghe lớn tuổi. Sau thời gian lắng nghe thính giả, tham khảo ý kiến các nhà ngôn ngữ học, Đài TNVN đổi câu chào lâu nay thành: “Thưa quý vị và các bạn”, “Quý vị và các bạn vừa nghe…”.

Càng ngày thính giả càng tham gia nhiều và sâu các chương trình phát thanh. Không chỉ hỏi, đòi được tư vấn, giải thích các vấn đề chính trị, kinh tế, nhất là pháp luật mà còn nhiều chi tiết của cuộc sống. Năm 1990 có thầy giáo ở Thái Bình viết thư hỏi Đài “Con dâu của Vua gọi là gì?”.

Quá trình xây dựng chương trình phát thanh Người cao tuổi là quá trình trao đổi, trả lời chất vấn với người cao tuổi. Ban đầu đề nghị đặt tên chương trình là: “Dành cho người già”. Các cụ phản đối quyết liệt vì không cho mình đã già mà lớn tuổi, còn có ích cho đời. Chương trình của Đài là của thính giả, phục vụ thính giả nên không thể “dành cho thì được”.

Tổng Giám đốc Phan Quang chỉ đạo là phải nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến các cụ. Cuối cùng chương trình được đặt tên: “Câu lạc bộ Người Cao tuổi”. Chương trình đầu tiên của Đài được người cao tuổi trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài góp ý, chung tay xây dựng. Đây cũng là chương trình đầu tiên của Đài, trong thời gian ngắn được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Và phát thanh đã thay đổi...

Phát thanh hiện đại trên nền tảng truyền thông đa phương tiện, ứng dụng kỹ thuật số đã thay đổi căn bản cách tiếp cận và phản ánh cuộc sống, đồng thời thay đổi hẳn cách nghe đài.

Thính giả bây giờ không còn tập quán nghe chung, nghe theo giờ cố định, nghe qua loa to nữa mà nghe “một mình”, riêng tư hơn. Mỗi lứa tuổi, mỗi nghề, mỗi vùng dân cư, mỗi dân tộc, mỗi múi giờ có yêu cầu thông tin và cảm thụ âm nhạc riêng. Nhà Đài phải đáp ứng ngày càng tốt những nhu cầu đó.

Trong nhịp sống hiện đại, thông tin phải nhanh, kịp thời, ngắn gọn, mới, lạ, và dứt khoát phải chính xác trung thực. Lợi thế của người làm phát thanh hiện đại là trẻ tuổi, năng động, được trang bị kỹ thuật, công nghệ cao, có trình độ ngoại ngữ, vi tính thích ứng với nghề nghiệp. Lao động phát thanh bây giờ khác trước rất nhiều, nên phải rèn luyện nhiều, nhạy cảm tiếp thu cái mới, nhưng vẫn phải trải nghiệm và biết rút kinh nghiệm.

Bạn nghe đài bây giờ có kiến thức nhiều hơn, phong phú hơn, tiếp cận phương tiện nghe nhìn hiện đại nhiều hơn, tinh gọn và hiệu quả hơn nên đòi hỏi thông tin và thụ hưởng âm nhạc khác trước rất nhiều. Thính giả không chỉ tương tác, tham gia vào chương trình trực tiếp mà còn là mắc xích kết nối với cuộc sống và nhà Đài.

Trong thiên tai, nhân tai, khi mất điện, mất thông tin, mất truyền hình, mất mạng Internet, chỉ còn một chiếc radio chạy pin là bạn kết nối với cuộc sống. Còn nhớ trong trận lũ thế kỷ 1999, phá Tam Giang mênh mông nước, có cụ già chỉ ôm được di ảnh của bố mẹ chạy lụt lên nóc nhà và không quên mang theo chiếc đài bán dẫn nho nhỏ. Nhờ thông tin qua đài mà cụ biết mình đang sống giữa mọi người và chờ bộ đội đến cứu.

Có Đài bên cạnh bạn sẽ không cô đơn. Bạn và Đài vẫn tồn tại trong thế giới truyền thông đa phương tiện hiện đại. Một chuyên gia Phát thanh Hoa Kỳ đã nói vui rằng: “Nếu có chết thì Phát thanh sẽ là người sau cùng”./.