Đây là trận đánh thắng đầu tiên trong đêm thứ ba của chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội, làm tan biến nỗi lo âu căng thẳng sau đêm 19/12/1972 không bắn rơi tại chỗ B52 trong sư đoàn. Để có được thắng lợi xuất sắc đó bộ đội tên lửa đã có những cách đánh sáng tạo, độc đáo trong đó có cách “đánh bồi, đánh nhồi” hạ gục “siêu pháo đài bay” góp phần tạo nên chiến thắng oanh liệt trong 12 ngày đêm lịch sử.40 năm đã qua, người chiến sỹ tên lửa năm nào nay tóc đã bạc trắng, bệnh của tuổi già vẫn thường xuyên “ghé thăm” mỗi khi trái gió trở trời, nhưng khi nhắc tới trận thắng đầu tiên bắn rơi máy bay B52 mà ông trực tiếp tham gia trong đêm thứ ba của chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội, đôi mắt của người lính già ấy lại sáng lên. Ông là Đại tá Nguyễn Xuân Minh, nguyên Trợ lý Bộ tham mưu Quân chủng Phòng không Không quân.

 dien-bien-phu-tren-ko-1.jpg
 Đại tá Nguyễn Xuân Minh, nguyên Trợ lý Bộ tham mưu Quân chủng Phòng không Không quân.

Với chất giọng hào sảng, ông kể lại chiến công của một thời “máu và hoa”.

Ông kể: hồi đó ông là trợ lý của phòng Tác huấn tên lửa quân chủng, được phân công xuống Tiểu đoàn 93 theo dõi và giúp đỡ đơn vị; bởi từ ngày đầu đánh trả chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Sư đoàn 361 chưa bắn rơi tại chỗ được chiếc B52 nào.

Sau khi xuống đơn vị, ông trực tiếp điều khiển mô hình, lập ra các bài tập đã có sẵn trong giáo án đánh B52 và luyện thêm cho các chiến sỹ bài “đánh bồi, đánh nhồi”, nghĩa là bắn vào dải nhiễu B52 mà khi đạn nổ, B52 chưa bị tiêu diệt, nhưng lúc đó nếu có tín hiệu mục tiêu rõ ràng xuất hiện trong dải nhiễu sẽ cho bắn tiếp. Do đó kíp chiến đấu đã được tập luyện thành thạo trong tình huống này. Quả vậy, trận đánh lúc 20h ngày 20/12/1972 của Tiểu đoàn 93 diễn ra đúng như phương án đã được tập luyện.

Thực hiện phương án tác chiến, 19h27’ Bộ tư lệnh Quân chủng ra lệnh cho một chiếc Mich.21 cất cánh từ sân bay Nội Bài. 5phút sau một chiếc Mich.21 nữa được lệnh cất cánh từ sân bay Gia Lâm. Cả hai người lái của ta đều phát hiện được địch, nhưng do tất cả B52 đều tắt đèn chiếu sáng, ra - da máy bay bị nhiễu nặng nên bộ đội không quân không đánh được B52 và máy bay chiến thuật rối loạn, cường độ nhiễu giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội tên lửa đánh B52.Căn cứ vào mệnh lệnh của Quân chủng và phương án hiệp đồng tác chiến với bộ đội không quân, Bộ tư lệnh sư đoàn đã giao nhiệm vụ đánh địch cụ thể cho các đơn vị và chú ý bảo đảm an toàn cho máy bay ta.

19h42’, một tốp ba chiếc máy bay có ký hiệu 387 ở độ cao 10km bay vào trước, Bộ tư lệnh sư đoàn xác định là tốp giả B52 liền ra lệnh cho trung đoàn pháo phòng không 220 tập trung hỏa lực đánh địch, tiểu đoàn 78, 79 phát sóng giả để kiểm tra, nhử địch. Các tiểu đoàn của trung đoàn tên lửa 257 đều xác định rõ tốp giả B52 nên không đánh.

 
 Xác chiếc máy bay B-52 của Mỹ bị quân và dân Thủ đô bắn rơi ngày 22/12/1972. Ảnh: TTXVN.

20h05’, đài trưởng đài một Trần Đức Tuyết và kíp trắc thủ tiểu đoàn 93 phát hiện được hai tốp sáu chiếc B52 vào đánh Gia Lâm. Được lệnh của trung đoàn “tiêu diệt tốp 383”, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Mạnh Hùng quyết định cho đài hai phát sóng để phát hiện địch từ cự ly xa. Khi kíp trắc thủ Hương- Côn- Tuấn bám sát chính giữa vào dải nhiễu sáng nhất của máy bay B52 thì anh ra lệnh cho sĩ quan điều khiển Hoàng Đức Vĩnh: phóng hai quả, điều khiển bằng phương pháp T!

Sĩ quan điều khiển Vĩnh thực hiện ngay. Hai tiếng nổ liên tiếp ầm ầm vang lên, thành cabin rung lên. Theo dõi ít lâu sau thấy 2 quả đạn vượt mục tiêu tự hủy. Giữa lúc này kíp trắc thủ báo cáo phát hiện thấy tín hiệu mục tiêu đang bay trong dải nhiễu, Tiểu đoàn trưởng thấy trường hợp này xảy ra đúng với phương án đã chuẩn bị trước và đã được kíp chiến đấu luyện tập từ mấy ngày nay. Được sự giúp đỡ của trợ lý phòng tên lửa Quân chủng Nguyễn Xuân Minh, tiểu đoàn trưởng ra lệnh ngay cho sĩ quan điều khiển phóng tiếp bằng phương pháp P, hai quả đạn nữa vào mục tiêu mà các trắc thủ đang tập trung linh lực dán mắt, vê tay quay nhẹ nhàng đưa nó vào đúng tim đường ngang và dọc trên màn hình.

Thực hiện mệnh lệnh của người chỉ huy, sĩ quan điều khiển phóng tiếp 2 quả. Một lúc sau hai quả gặp mục tiêu, các trắc thủ đều ho to: Đạn nổ! Mục tiêu bị tiêu diệt!

Giữa lúc này trắc thủ TZK ngồi trên nóc xe báo cáo xuống đài điều khiển: Máy bay B52 bốc cháy! Chiếc B52 bốc cháy làm sáng rực một vùng trời. Nó cắm đầu lao thẳng xuống Yên Thường – Gia Lâm – Hà Nội (gần ga Yên Viên), cách trung tâm Hà Nội hơn 10km. Nó chưa kịp cắt bom nên tiếng nổ của nó làm inh tai nhức óc cả một vùng rộng lớn. Chiếc B52 của bọn giặc lái tan tành trong khói lửa.

Người lính già như nghẹn ngào khi kể về niềm tự hào và cũng là lẽ sống một thời của ông. “Về đơn vị, anh em ào xuống xe. Trên nét mặt mọi người ai nấy đều hồ hởi phấn khởi vì đây là chiếc máy bay B52 đầu tiên rơi tại chỗ của đơn vị. Họ ào đến bắt tay tôi, tôi nói: Xin chúc mừng đơn vị! Các anh đã đánh một trận thắng giòn giã”, đại tá Minh kể lại.

Ngoài trời những cơn gió mùa vẫn tiếp tục tràn về. Tiếng còi báo động vang lên! Máy bay Mỹ lại mò vào, các chiến sỹ tên lửa lại lao đi trong đêm rét mướt để nhanh chóng leo lên cabin, tiếp tục bước vào một cuộc chiến đấu mới.

Sau trận đánh thắng của Tiểu đoàn 93, các đơn vị cùng với các cơ quan trong sư đoàn, quân chủng đã đúc rút kinh nghiệm, trong đó rút ra một bài học đánh tiếp vào mục tiêu B52 khi vừa đánh xong nhưng chưa tiêu diệt được mục tiêu.

Chiến thắng này đã ghi lại một dấu ấn đặc biệt quan trọng. Bởi đây là chiến thắng đầu tiên trong đêm thứ ba của chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội, làm tan biến nỗi lo âu căng thẳng sau đêm 19/12/1972 không bắn rơi tại chỗ máy bay B52 trong sư đoàn.

Ngoài sự thông minh và lòng dũng cảm, các trắc thủ của ta còn có cặp mắt tinh tường và đôi tay nghề thuần thục. Cùng với con mắt nhìn xuyên bàn nhiễu, bàn tay họ khi “vê” những vòng quay bám sát mục tiêu, điều khiển đường bay của quả đạn tên lửa, dù trong đạn nổ, bom rơi vẫn rất nhẹ nhành, đều đặn, chuẩn xác.

Thật đúng như lời của ông Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô – Thiếu tướng Khiupenen đã từng phát biểu với Bộ Tư lệnh Quân chủng: “Trao vũ khí tên lửa cho các bạn Việt Nam là trao nó cho những bộ óc sáng tạo và những bàn tay vàng”.

Sau này, dù đã trải qua những vị trí quan trọng khác gắn với bộ đội tên lửa như trung đoàn trưởng Trung đoàn 255, trưởng đoàn Tên lửa (Cục huấn luyện – Nhà trường), Phó đoàn trưởng về Quân sự Đoàn B61…nhưng những kỷ niệm về một thời làm nên chiến thắng lẫy lừng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn theo người lính già – Nguyễn Xuân Minh suốt cả cuộc đời./.