Anh Quế Lâm ơi, Mỹ ngừng ném bom Hà Nội rồi!

Tôi vừa chạy từ nhà hầm ven suối lên nhà hầm lưng chừng núi Mang Chang vừa reo to mà tai áp vào chiếc đài bán dẫn “hai pin trung”, sợ bản tin hết mất.

Từ ngày Mỹ mở chiến dịch B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phụ cận, đến nay anh chị em nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài chúng tôi, nói gọn lại là nhà tuyên huấn như ngồi trên đống lửa.

Nhà hầm của tôi, anh Quế Lâm, anh Nguyễn Đắc Xuân, Nhật Anh là trung tâm tin tức, vì mỗi chúng tôi có một chiếc đài bán dẫn National.

Nghe hung tin B52 hủy diệt đài phát sóng Mễ Trì, phá nát khu điện đài Bạch Mai, các anh ôm chầm lấy tôi. Không phải các anh lo cho tôi mà là chia sẻ đau thương mất mát từ Hà Nội.

bachmai.jpg
Bệnh viện Bạch Mai bị tàn phá

Ngày hôm sau nữa, anh Quế Lâm giục tôi lên trung tâm điện đài, cách cơ quan gần cả ngày đường đi bộ, xem có tin tức gì của vợ con không. Tôi bảo sáng mai đi sớm, anh nghiêm sắc mặt: “Cậu gan lỳ thật đấy”.

Hơn tám giờ tối, tôi ghé sát đài vào tai Quế Lâm, anh gằn giọng: “Lúc này mà cậu vẫn mê ca hát được à? Bài hát những lá thư viết dở thì ăn nhập gì?” Tôi giải thích cho anh hay: Lúc chia tay, vợ chồng tôi có cam kết với nhau, khi chương trình phát thanh phụ nữ của Đài TNVN phát bài hát “Gửi anh lá thư viết dở” là tình hình bình yên. Anh vò đầu tôi, xởi lời: “Các cậu ghê thật, dám chiếm dụng làn sóng đài quốc gia cho việc riêng tư nhé”.

Nhân lễ Noel, giặc Mỹ tỏ ra “thiện chí”. Đêm 25/12/1972 tuyên bố ngưng ném bom miền Bắc.

Vậy là Hà Nội dễ thở hơn sau 7 ngày chiến đấu quyết liệt với pháo đài bay Hoa kỳ.

Tôi kể cho anh Quế Lâm nghe Noel năm 1971, chúng tôi mới cưới nhau 9 tháng. Thay vì tuần trăng mật, đêm Giáng sinh chúng tôi dắt tay nhau đến sân Nhà thờ lớn Hà Nội.

Người ta chen lấn nhau, xô đẩy nhau để mong đến gần Chúa hơn. Và chúng tôi lạc nhau, mãi gần sáng mới “đoàn tụ” trong căn phòng nhà cấp 4 rộng chừng 8m2 ở 128C Đại La.

Thời gian lặng yên giữa hai trận đánh chỉ vẻn vẹn ngày đêm.

Ngày 26/12/1972, pháo đài bay Mỹ xuất kích 116 lần, đánh phá dữ dội Hà Nội, Hải Phòng.

Những vệt bom hủy diệt chạy dài khu vực Nội Bài, Đông Anh, Cổ Loa, cảng Sông Hồng, Thượng Đình, sân bay Bạch Mai, Giáp Bát, đặc biệt là Khâm Thiên.

Vệt bom rải thảm do B52 ụp xuống gần hết chiều dài đường phố có mật độ dân cư đông vào loại nhất, nhì Hà Nội.

287 người chết, 290 người bị thương. Phần đông là cụ già, em nhỏ, phụ nữ mang thai chưa kịp sơ tán.

Vậy là cả 600 người chứ ít đâu. Những sinh linh nhỏ nhoi còn trong bụng mẹ, chết tức tưởi theo mẹ đâu có biết đại họa giáng xuống giữa đêm “Chúa giáng sinh”. Hàng nghìn ngôi nhà, trường học, đền chùa, trạm xá, nhà hộ sinh bỗng chốc trở thành đống đổ nát.

Tôi thẩn thờ nhìn anh Quế Lâm mà mắt cay xè.

Chúng tôi áp tai vào chiếc đài bán dẫn nghe chị phát thanh viên tiếng nói Việt Nam nghẹn ngào đọc tin Khâm Thiên.

Tuần trước, tôi nghe đài BBC đưa tin lạnh lùng: “Tổng thống Ních Xơn tuyên bố, cho không quân Mỹ tập kích chiến lược trên không vào Bắc Việt Nam bằng B52 vào ngày 17/12/1972 (theo giờ Hoa Kỳ). Giờ Hà Nội là 18/12/1972”.

Vậy là nước Mỹ cách Khâm Thiên, Bạch Mai, Mễ Trì cả nửa vòng trái đất. Phải chăng Khâm Thiên, ngót 600 mạng người đang sống bình yên với khát vọng hòa bình phải chết tức tưởi vì đe dọa an ninh Hoa Kỳ?

Quả là nghịch lý đến điên đảo.

Lầu Năm góc rêu rao là B52 chỉ nhằm mục tiêu quân sự.

Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm nghiên cứu y học và chữa bệnh lớn nhất miền Bắc, có số giường bệnh nhiều nhất bị bom Mỹ cày xới 3 lần, 30 bác sỹ, bệnh nhân, sinh viên thực tập thiệt mạng là mục tiêu quân sự ư?

Bạn tôi, quê Quảng Bình, học Y6 thực tập ở bệnh viện Bạch Mai đang cấp cứu cho bệnh nhân, những mong cứu sống một con người khỏi tay thần chết thì cả hai bị chôn vùi dưới bom Mỹ.

Bạn tôi mới biết yêu, chưa ra nghề, chưa vào đời đã vào cõi vĩnh hằng.

Tôi nhớ năm 1965 – 1966, trên đường Sa Lung ở Vĩnh Linh, thanh niên hai xã Long- Chấp suýt đánh chết tên phi công Mỹ gây tội ác vừa bị bắt sống. Thằng Mỹ cúi đầu lặng lẽ lê chân trên con đường đất đỏ nhuốm màu máu. Anh bộ đội giải thích rằng: Nó là kẻ bại trận, đã cúi dầu nhận tội thì tha chết cho nó.

Các bác sỹ ở bệnh viện Bạch Mai cũng đã từng phẫn uất khi thấy những tên giết người từ trên không bị giải đi trên con đường Nam Bộ. Nhưng trong hờn căm, đau thương và mất mát, ban giám đốc bệnh viện vẫn sẵn lòng đón những người bạn Mỹ chống chiến tranh của nhà cầm quyền Hoa Kỳ đến thăm.

Nghệ sỹ nổi tiếng của nước Mỹ Jane Fonda không cầm được nước mắt trước cảnh đổ nát của bệnh viện Bạch Mai. Chị nói: “Tôi sẽ hành động cho một xã hội tốt đẹp, công bằng hơn ngay trên quê hương tôi. Trước hết để chấm dứt cuộc chiến tranh tàn bạo ở Việt Nam, chấm dứt hành động bất nhân của những tên sen đầm quốc tế khét tiếng…”

Ông Romet Chandra - Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới có mặt ngay trên mãnh đất Bạch Mai đang bỏng rát sức nóng bom ngàn cân như nói rằng lực lượng hòa bình toàn thế giới đang sát cánh với Hà Nội, với Việt Nam trong phút giây đau thương và phẫn uất này.

Qua giọng đọc uất nghẹn của các anh các chị phát thanh viên Đài TNVN kiên cường bám trụ studio ở Bà Triệu, Hà Nội, chúng tôi được biết tin tức.

Giữa rừng xanh miền tây Thừa Thiên Huế giăng giăng mưa ngàn và gió lạnh, chúng tôi cảm thấy sức nóng từ Hà Nội, từ miền Bắc thân thương. Các anh quê Hà Nội ở K6, K4 trên đường hành quân về phía tiếng súng nổ, tụ tập nhau ở ngã ba đường chân chim, chăm chú nghe đài.

Các anh ôm lấy nhau, mắt bốc lửa, như trong đó có Khâm Thiên, Bạch Mai, có giảng đường đại học Bách khoa, Kinh tế Quốc dân, nơi các anh tạm xếp bút nghiên ra trận.

Tôi thu thập tin tức từ đài phát thanh nói lại cho anh chị em chi đoàn thanh niên cơ quan nghe tình hình chiến đấu với lũ giặc trời B52 của quân dân Hà Nội anh hùng.

Căn hầm đã chật càng nóng thêm.

Anh tên là Vui, nhưng nét mặt đượm buồn. Khi tôi kể về gia đình cháu Nguyễn Thị Vượng ở Khâm Thiên bị bom Mỹ giết hại cả nhà trong đêm Noel, khi cháu mới 15 tuổi, anh Cu Phở, người Pako không ghìm được, nói nhát gừng: “Ôi, thằng Mỹ, làm tôi tức con mắt, tức cái bụng quá. Phải tiêu diệt ba cái đời tổng thống nhà nó.”

Câu nói ngắn gọn, chắc nịch của anh làm tôi nhớ đến hình ảnh bà tiến sỹ y học người Pháp Ivon Cap-dơ-vin thường xuyên đến nghiên cứu và làm việc tại bệnh viện Bạch Mai. Bà đứng trên đống gạch vụn đổ nát của Khoa Dược, căm phẫn nói: “Tôi là một nhà chuyên môn, nhưng tôi phải làm chính trị, tố cáo tội ác dã man của Mỹ.”

Mỗi người ở một vị thế khác nhau, miền đất khác nhau, giữa Hà Nội, Paris hay động Mang Chang, tít tắp rừng xanh Trường sơn, nhưng họ giống nhau, tìm thấy nhau trong tiếng nói căm hờn trước tội ác dã man./.