Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam - khi đó là phóng viên của báo Tiền phong đã xúc động nhớ lại những năm tháng người Hà Nội ngoan cường chiến đấu với B52.

Là phóng viên nhiếp ảnh của báo Tiền phong, nhà báo Mai Nam đi rất nhiều vùng miền của đất nước để chụp ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân Việt Nam.

Khi Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, ông đã ghi lại được nhiều hình ảnh quân dân ta chiến đấu kiên cường dưới sự tàn phá khốc liệt của không quân Mỹ để bảo vệ bầu trời Hà Nội.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam nhớ lại: Khi Mỹ chuẩn bị mở màn chiến dịch Linebacker II, sử dụng “pháo đài bay” B52 tấn công miền Bắc, người dân Hà Nội sơ tán âm thầm trong đêm.

 

mainam.jpg
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Mai Nam (Ảnh: CAND)

Những chiếc xe đạp thồ đủ thứ từ người già, trẻ em, đồ đạc…. Đường phố Hà Nội lặng ngắt. Trên từng cánh cửa, mọi người đều biển dán thông báo, gia đình đang sơ tán ở nơi đâu. Ngoài đường phố Hà Nội chỉ còn thanh niên cờ đỏ. Họ giúp mọi người tránh bom khi máy bay đến.

Thời điểm đó, Mỹ ném bom rất ác liệt. Những trận bom Mỹ dội xuống làm mặt đất rung chuyển dữ dội. “Đến cái đèn Hoa Kỳ ở trong hầm cũng vụt tắt”, ông Nam nói.

“Sau những trận đánh bom dữ dội vào ngày 22 – 23/12, đặc biệt là đêm 24/12, hôm sau ra ngoài đường, ông thấy rất nhiều quan tài mà người ta dùng để khâm liệm những người thiệt mạng trong các cuộc ném bom.

Cái ký ức đau thương nhất trong cuộc chiến đó đến bây giờ ông vẫn không quên được khi chứng kiến cảnh một nữ bác sỹ ở bệnh viện Bạch Mai sắp sửa đến ngày cưới. “Thế mà cô ấy chết. Người ta mặc quần áo cô dâu cho cô ấy để khâm liệm”, giọng ông Nam như nghẹn lại.

Mọi người sơ tán để tránh cuộc tấn công bằng không quân của Mỹ, còn ông vẫn ở lại Hà Nội. Ban đêm ông thường lên các mái nhà như: Ngân hàng Hà Nội, Bách hóa Tổng hợp để ghi lại những hình ảnh máy bay Mỹ ném bom.

“Lúc đó trên nền không gian đen kịt chỉ còn thấy những ánh chớp giật lên giật xuống xé ngang bầu trời của những đợt ném bom khủng khiếp của máy bay Mỹ”, ông Nam nhớ lại.

Ông Nam cho biết, trong cuộc chiến đó, hình ảnh ông ghi lại được nhiều nhất là cuộc tấn công của Mỹ vào trạm xăng Đức Giang, một số cảnh tàn phá ở phố Huế và Khâm Thiên, hay những trận địa pháo 100 của ta ở khu Cao Xà Lá./.