Các nghiên cứu đã cho thấy, ở nước ta, nhiều người vẫn cho rằng, chồng có quyền dạy vợ, phạt vợ khi mắc lỗi. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác làm cho ngay cả phụ nữ- những nạn nhân thường thấy của bạo lực gia đình cũng cho rằng, trong một số trường hợp thì bạo lực là chấp nhận được. Do vậy, cứ 3 người phụ nữ ở nước ta thì có một người bị bạo hành và họ trở thành tù tội tại chính ngôi nhà của mình. Nỗi đau thể xác có thể chữa khỏi nhưng nỗi đau tinh thần, những tổn thương về cuộc sống hôn nhân sẽ còn mãi.
anh-dai-dien.jpg
Những người phụ nữ này từng là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình
Tâm sự đây của một số phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình ở Hà Giang và Hà Nội: “Em mắt kém, nhưng vẫn đi kiếm tiền, vẫn nấu cơm nước phục vụ chồng con nhưng chồng em vẫn mắng chửi, đánh em do ghen thái quá. Chồng em không muốn em được chơi với ai kể cả nam hay nữ”.“Khi 2 vợ chồng vui vẻ, em thường hỏi vì sao anh hay đánh em, anh ấy không trả lời mà chỉ mỉm cười. Nhưng chỉ vài phút sau, bằng những lý do không đâu, ví dụ như không tìm thấy cái thắt lưng là anh ấy lại chửi mắng em”.  
Theo số liệu từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam thì 58% phụ nữ cho biết từng chịu ít nhất 1 trong 3 hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần hoặc tình dục; khoảng một nửa số nạn nhân này chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng và 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.  
                  “Cũng có lần em đã viết đơn ly hôn, nhưng các con em nó cứ níu kéo, khi nghe tiếng gọi mẹ của con, em cầm lòng được. Vừa rồi anh ấy lôi em xuống tầng hầm của nhà, vừa đánh, vừa chửi em? Anh ấy đẩy em vào gầm gường rồi điện thoại của anh văng theo, em cầm được và gọi người nhà đến cứu”.

Trong số những nạn nhân vừa nêu, có người từng nghĩ đến cái chết để giải thoát khỏi bạo lực gia đình nhưng tình thương đối với các con đã níu họ ở lại và tiếp tục chịu đựng bạo lực. Đây cũng chính là lý do khiến bạo lực gia đình vẫn được giấu kín sau cánh cửa mỗi gia đình. Nó không chỉ xúc phạm nhân phẩm, quyền con người, làm tổn hại sức khỏe, tính mạng của các nạn nhân mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa của đất nước. Theo bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là biểu hiện cao nhất của bất bình đẳng giới. Đây không còn là chuyện riêng của mỗi nhà mà trở thành một vấn đề cần được cả xã hội quan tâm giải quyết. Điều quan trọng hơn hết là sự hiểu biết và ý thức của mỗi người, đặc biệt là người đàn ông trong gia đình: “Vai trò của nam giới trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ là điều vô cùng quan trọng. Bởi nam giới không chỉ là người thực hiện hành vi bạo hành mà họ còn có quyền lực rất lớn trong gia đình. Do đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm của nam giới là vô cùng quan trọng. Nam giới thường là nguyên nhân gây ra bạo lực và họ cũng là một phần trong giải pháp phòng chống”.

Mặc dù nam giới cũng bị ảnh hưởng, nhưng phụ nữ và trẻ em gái là những nạn nhân chính của bạo lực gia đình. Theo báo cáo quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam thì 32% phụ nữ từng kết hôn phải hứng chịu bạo lực về thể xác, 10% phụ nữ từng kết hôn trải nghiệm bạo lực tình dục, 54% phụ nữ từng kết hôn hứng chịu bạo lực tinh thần và 5% phụ nữ bị đánh đập trong khi mang thai từ chính người chồng của mình. Vì vậy, các cơ quan chức năng đã đưa ra thông điệp chính của Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) năm nay là “Đàn ông đích thực nói không bạo lực với phụ nữ”. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết, trên thực tế, hội đã xây dựng được những mô hình nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo lực gia đình và thời gian tới sẽ phối hợp với các cấp, các ngành nhân rộng mô hình này: “Chúng tôi đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực như mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và mô hình câu lạc bộ gia đình không có bạo lực, đặc biệt là mô hình ngôi nhà bình yên tại 20 Thụy Khuê, Hà Nội. Đây là mô hình nhà tạm lánh đầu tiên ở Việt Nam, đã tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực có hiệu quả. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cam kết hỗ trợ nâng cao nhận thức, vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội”.

Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện bình đẳng giới và tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình. Tuy nhiên, ngoài việc các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc phòng chống bạo lực gia đình, mỗi người cần lên tiếng khi chứng kiến bạo lực hoặc bị bạo lực gia đình./.