Trong hai ngày 20-21/10, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Phát triển phụ nữ (UNIFEM) tổ chức Hội thảo khu vực ASEAN về Pháp luật Phòng chống bạo lực gia đình. Đây là một hoạt động trước thềm Khóa họp lần thứ VII Ủy ban Phụ nữ ASEAN do Việt Nam đăng cai.

Khai mạc Hội thảo, bà Huỳnh Thị Nhân, Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TBXH cho biết, ở khu vực Đông Nam Á, năm 2004 đánh dấu một bước tiến quan trọng của nỗ lực khu vực trong việc giải quyết vấn đề bạo lực gia đình. Đó là việc ký Tuyên bố xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 37. Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Phụ nữ ASEAN trong việc xây dựng kế hoạch triển khai, bao gồm các hoạt động cụ thể.

ba-nhan.jpg
Bà Huỳnh Thị Nhân, Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TBXH Việt Nam
Ngày nay, bạo lực gia đình không còn là vấn đề riêng của gia đình hay quốc gia, mà đã trở thành vấn đề được quan tâm toàn cầu. Bạo lực gia đình làm tổn hại đến nhân phẩm, sức khỏe và tâm lý của người bị bạo lực, cả nam và nữ. Chính vì vậy, phòng chống bạo lực gia đình đang được cộng đồng quốc tế và khu vực quan tâm mạnh mẽ. Các nước ASEAN đã cùng thông qua và cam kết thực hiện Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước về quyền trẻ em, Tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ cũng như Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh và Kế hoạch Hành động kèm theo.

Việt Nam và một số quốc gia ASEAN khác đã ban hành luật riêng về phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, các điều luật này cần phải được đưa vào thực tiễn cuộc sống và tiếp tục hoàn thiện.

Hội thảo chia làm 3 phiên làm việc với các nội dung: Luật Phòng chống bạo lực gia đình tại các nước ASEAN- rà soát các tiêu chuẩn quốc tế; Trao đổi kinh nghiệm về quá trình dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Chống bạo hành gia đình và các kinh nghiệm đối phó tại các nước Đông Nam Á. Các chuyên gia cùng với các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích về nội dung Luật Phòng chống bạo lực gia đình tại các nước ASEAN, rà soát luật các nước với các tiêu chuẩn quốc tế, thảo luận nhóm để đưa ra những yếu tố quyết định hiệu quả của Luật phòng chống bạo lực gia đình…

Các đại biểu quốc tế trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án thí điểm tại tỉnh Patumthani (Thái Lan); việc thu thập số liệu thống kê, tài liệu liên quan đến nạn bạo hành đối với phụ nữ (VAW) tại Philippines; Vai trò của Ủy ban Quốc gia về phòng, chống bạo lực phụ nữ (Komnas Perempuan) trong việc kiểm soát việc thực hiện các chương trình bạo hành gia đình tại Indonesia; Sự tham gia và vai trò của cảnh sát, các “nhà tư pháp” trong việc giải quyết các tranh chấp tại cộng đồng, phòng ngừa và đối phó nạn bạo hành gia đình; những nhân tố quan trọng nhất nhằm đạt hiệu quả trong các Chương trình phòng chống và đối phó nạn bạo hành gia đình.

Các đại biểu thảo luận nhóm để đưa ra những nhân tố quan trọng nhất nhằm đạt được hiệu quả trong các chương trình phòng chống và đối phó nạn bạo hành gia đình./.