Sáng 17/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức tọa đàm về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế tập trung sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng, hình thức tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; tạm ứng, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về việc thành lập Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng: Việc sửa đổi Luật cần khắc phục được những tồn tại, bất hợp lý sau 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế.

Dự thảo Luật cần làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của các bên liên quan; củng cố và nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về bảo hiểm y tế; bảo đảm hài hòa quyền lợi và trách nhiệm giữa 3 bên (Người bệnh có bảo hiểm y tế, cơ sở cung ứng dịch vụ và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế) góp phần giảm gánh nặng chi phí y tế trực tiếp từ tiền túi của cá nhân và hộ gia đình.

Liên quan đến quy định người nghèo phải đồng chi trả 5% chi phí khám bệnh, chữa bệnh, ông Lê Văn Quân - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho rằng: “Trong phạm vi người nghèo trả được thì để họ chi trả, còn nếu không trả được thì nên giao cho cơ sở khám chữa bệnh và Nhà nước có cách hỗ trợ người nghèo thông qua cơ sở khám chữa bệnh”.

Điểm mới của Dự thảo Luật là quy định bảo hiểm y tế mang tính bắt buộc để đề cao tính pháp lý nhằm gắn trách nhiệm của mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Nhiều ý kiến băn khoăn, nếu quy định như vậy thì buộc phải xây dựng chế tài xử lý đối với người không tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tính khả thi của Luật.

Một số ý kiến đề nghị trích một phần kết dư Quỹ bảo hiểm y tế cho các địa phương để phát triển bảo hiểm y tế và phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại địa phương.

Quy định này sẽ tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý Quỹ bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế cũng như quyền lợi của cơ sở y tế. 

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Luận - Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh- Xã hội, dự thảo Luật cần quy định cụ thể nội dung chi phần kết dư nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng chi vào những nội dung không hiệu quả.

Các ý kiến tại tọa đàm cung cấp thêm thông tin để phục vụ công tác thẩm tra của Văn phòng Chính phủ trước khi trình dự thảo Luật tại Phiên họp chuyên đề của Chính phủ trong tháng 7 này./.