Cái tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi đã khiến nhiều người Nhật Bản yêu quý Việt Nam xúc động. Một trong số những con người đó là ông Hisao Suzuki, Giám đốc Công ty sách Coal Sack. Tự nhận một nửa con người mình đã trở thành người Việt Nam, ông Suzuki đã chia sẻ với Phóng viên Đài TNVN những suy nghĩ của mình sau khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất.

Hiện thực hóa tư tưởng độc lập tự do

PV: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một anh hùng của người dân Việt Nam, vừa qua đời hôm 4/10 vừa qua. Vậy cái tên Võ Nguyên Giáp có ấn tượng thế nào đối với người dân Nhật Bản?

Suzuki: Bất cứ người Nhật nào có quan tâm đến Việt Nam đều biết đến cái tên Võ Nguyên Giáp bởi ý nghĩa lịch sử của nó. Cái tên này đã khắc sâu trong lòng người dân Nhật như một vị tướng quân đã giành chiến thắng quyết định trong trận Điện Biên Phủ chấm dứt 100 năm đô hộ của người Pháp. Cuộc chiến này được biết đến là một cuộc chiến tranh du kích với vũ khí thua kém đối phương rất nhiều nhưng với trí tuệ tuyệt vời đã giáng một đòn chí tử vào quân Pháp vốn được Mỹ hậu thuẫn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một cái tên luôn được người Nhật Bản kính trọng.

ong%20nhat%20noi%20ve%20tuong%20giap%20copy.jpg
Giám đốc công ty sách, ông Suzuki và 2 tác phẩm về độc lập-tự do của Việt Nam

Đối với riêng tôi, tôi nghĩ rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một người anh hùng của Việt Nam mà còn là anh hùng của châu Á. Không chỉ của châu Á, ông còn là một trong những vị anh hùng hàng đầu của thế giới.

Tôi sinh năm 1954 nên chiến thắng Điện Biên Phủ dường như có ý nghĩa hơn đối với tôi. Với chiến thắng này, Đại tướng đã hiện thực hóa về mặt quân sự tư tưởng triết học chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là không có gì quý hơn độc lập tự do. Đại tướng đã thực hiện tư tưởng đó với tinh thần không thể bị khuất phục và ý chí mạnh mẽ không gì ngăn cản được. Tôi nghĩ rằng khi nhìn lại lịch sử thế kỷ 20, Võ Nguyên Giáp là một cái tên không thể không nhắc đến.

Võ Nguyên Giáp có trong mỗi con người Việt Nam 

PV: Ông vừa nhắc đến tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do. Vậy ông thấy tư tưởng này thể hiện như thế nào ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Suzuki: Nếu chỉ tính lịch sử Việt Nam trong 2.000 năm gần đây thì có đến 1.000 năm bị Trung Quốc đô hộ. Sau khi giành được độc lập từ thế kỷ thứ 10, lịch sử Việt Nam 1.000 năm tiếp theo là lịch sử của các cuộc đấu tranh chống lại xâm lăng ngoại bang. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hiện thân cho tinh thần bất khuất đó của dân tộc Việt Nam. Đại tướng còn đại diện cho tư tưởng độc lập tự do của châu Á.

Tôi đã được đọc một bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài phỏng vấn cho thấy Đại tướng có một tầm nhìn cho tương lai dựa trên lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là dù thế nào cũng phải chiến thắng vì độc lập tự do. Toàn dân tộc Việt Nam, từ phụ nữ đến cả trẻ em đã quyết tâm chiến đấu cho đến chiến thắng. Đó là một cuộc chiến vì tương lai của cả dân tộc. Với một cuộc chiến như vậy, thì cho dù có vũ khí hiện đại đến đâu cũng sẽ phải thất bại.

Đây không phải là chiến thắng ngẫu nhiên mà là một chiến thắng hết sức tự nhiên. Việt Nam đương nhiên sẽ chiến thắng trong cuộc chiến như vậy.

Nói đến cuộc chiến tranh du kích của người Việt Nam lại khiến tôi liên tưởng đến những câu cầu bắc qua sông Hồng nối sân bay Nội Bài với nội đô Hà Nội. Trong chiến tranh những cây cầu như vậy thường xuyên bị Mỹ ném bom phá hủy nhưng ngay lập tức lại được xây dựng lại. Hay như câu chuyện máy bay Mỹ bị súng trường Việt Nam bắn hạ. Những sự việc tưởng như không thể thực hiện được đó lại diễn ra liên tục trong cuộc chiến. Đó chính là cuộc chiến tranh du kích toàn dân của người Việt Nam. Cuộc chiến mà những con người sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình đối đầu với vũ khí vượt trội. Tôi nghĩ rằng từng người từng người dân Việt Nam đã thấm đẫm tinh thần vì độc lập tự do. Đất nước Việt Nam tràn đầy những con người Võ Nguyên Giáp như thế. Võ Nguyên Giáp là biểu tượng, là sự kết tinh của những con người như vậy. Nói cách khác bên trong mỗi con người Việt Nam lại có Võ Nguyên Giáp.

Tinh thần Võ Nguyên Giáp sống mãi 

PV: Chúng tôi được biết công ty của ông mới đây đã xuất bản tại Nhật Bản 2 cuốn sách, một cuốn là Hồi ký Gia đình, bạn bè và Đất nước của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và cuốn thứ 2 là Tuyển tập 175 bài thơ của nhiều tác giả về độc lập và tự do của Việt Nam. Có phải tư tưởng độc lập tự do cũng là một mục đích của việc xuất bản 2 cuốn sách này?

Suzuki: Khi biên tập Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập tự do của Việt Nam, tôi đã dần hiểu được tư tưởng độc lập tự do của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tôi đã mong muốn được gặp mặt Đại tướng một lần, nhưng thật đáng tiếc điều này đã không thể thực hiện được nữa. Tôi nghĩ rằng dù mọi người đang đau buồn vì sự ra đi của Đại tướng nhưng chắc chắn rằng tư tưởng của Đại tướng sẽ tiếp tục tồn tại với người dân Việt Nam.

Một con người tuyệt vời mất đi không có nghĩa là tất cả cũng đi theo. Tinh thần đó sống trong mỗi con người. Và tinh thần đó cũng truyền đến nhiều nước Châu Á.

Với sự đồng cảm, sự kính phục, chúng tôi đã xuất bản tập thơ này ở Nhật. Chúng tôi muốn cả thế giới biết được tư tưởng này của Việt Nam, chúng tôi muốn học tập người Việt Nam, muốn mọi người biết được sự tuyệt vời của Việt Nam.

Và chúng tôi sẽ phối hợp với các học giả Việt Nam để dịch ra tiếng Nhật và xuất bản tại Nhật Bản những cuốn sách tuyệt vời viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

PV: Xin cảm ơn ông./.