Sáng 23/11, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với đại diện các Bộ, ngành liên quan về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2013”.
Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội: Từ năm 2005 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trên 70 văn bản chỉ đạo định hướng, văn bản quy phạm pháp luật về chính sách giảm nghèo đặc thù. Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn chỉ đạo ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Bà Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc về thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2005-2013 |
Chỉ tính riêng từ năm 2008-2012, tổng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo là 564.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư 168.000 tỷ đồng (chiếm 37%), tập trung vào các lĩnh vực: Dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; y tế, chăm sóc sức khỏe; giáo dục; nhà ở, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; trợ giúp pháp lý, thông tin… cho người nghèo và vùng khó khăn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc tổ chức triển khai, nghiên cứu rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách về giảm nghèo; xây dựng các giải pháp cụ thể, bố trí, huy động đa dạng hóa nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các địa bàn nghèo, dân tộc thiểu số. Kết quả, tỷ lệ nghèo giảm bình quân 2%/năm, các huyện nghèo giảm trên 4%/năm, đời sống của người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể, cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi được tăng cường; an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, mặc dù được cộng đồng quốc tế công nhận là quốc gia về đích sớm 2 năm trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về xóa nghèo cùng cực, nhưng kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa bền vững. Ở nhiều nơi, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi trên 70%.
Việc huy động nguồn lực tuy đã đạt được những kết quả nhưng vẫn chưa khai thác, huy động được nguồn lực tại chỗ; quan điểm trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách vẫn còn tồn tại ở một số địa phương và người nghèo. Trong khi việc giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số còn nhiều thách thức, thì Việt Nam lại phải đối mặt với các dạng nghèo đô thị mới đã xuất hiện. Ngoài ra, do có quá nhiều chính sách về giảm nghèo và cùng một lúc nhiều bộ, ngành thực hiện dẫn đến chồng chéo, manh mún, không chỉ gây lãng phí về nguồn lực mà còn khiến địa phương khó triển khai thực hiện.
Ông Đặng Thuần Phong, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nêu ý kiến: Ở góc độ quản lý Nhà nước, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá những chính sách nào thời gian qua đã gây lãng phí, không cần thiết, chính sách nào cần lòng ghép hoặc thu gọn. Lâu nay chúng ta đưa ra chính sách, đến khi nó không cần thiết nữa nhưng chúng ta không loại bỏ. Cho nên cái nào cần loại bỏ cần phải rà soát, tính toán. Đặc biệt là cơ chế cho các địa phương lồng ghép chính sách. Đầu tư hàng loạt chính sách như vậy nhưng bây giờ mình thoát nghèo bao nhiêu, tái nghèo bao nhiêu. Việc này Bộ Lao động, Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung đánh giá thêm.
Đánh giá cao việc các Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo thời gian qua, song các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị các Bộ, ngành làm rõ các giải pháp giảm nghèo thời gian tới; nghiên cứu để có cơ chế hướng dẫn các địa phương thực hiện lồng ghép các chính sách giảm nghèo hiệu quả. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị cả Đoàn giám sát, cả cơ quan Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nên quan tâm thêm mấy vấn đề là: So với mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra đạt được ở mức độ như thế nào? Vấn đề quan trọng nhất cần bàn là con số đạt được rồi nhưng chất lượng và tính bền vững trong các con số này. Đánh giá từng nhóm chính sách mới khó, đề nghị các Bộ, ngành mạnh dạn công bố ra Quốc hội nhóm chính sách nào thành công, nhóm chính sách nào hiệu quả còn phải xem xét./.