Tỷ lệ giảm nghèo năm 2012 là 1,76% và gần đây, tỷ lệ giảm nghèo là 2,3%. Con số này khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn. Trước thắc mắc này, chiều 30/5, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - Phạm Thị Hải Chuyền đã có sự giải thích trước Quốc hội.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tỷ số giảm nghèo, từ Trung ương đến các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo. Theo đó, hàng năm phải rà soát công tác giảm nghèo và báo cáo kết quả cho Hội đồng UBND tỉnh.

Theo tiêu chuẩn giảm nghèo tính từ 1/1/2011, ở nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng; thành thị là 500.000 đồng/người tháng và tổng hợp của các địa phương trong năm qua cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 9,6%. Thế nhưng, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng núi Đông Bắc là trên 17%; vùng núi Tây Bắc gần 30%, Tây Nguyên là 15% nhưng Đông Nam Bộ chỉ còn 1,2%.

Những con số trên cho thấy, chuẩn nghèo vẫn được tính theo mốc từ ngày 1/1/2011. Tỷ lệ giảm nghèo này chưa bền vững, còn chênh lệch giữa các vùng.

giam-ngheo.jpg
Tạo việc làm cho lao động ở địa phương là một trong những cách giúp người dân thoát nghèo (Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản)

 

Có cơ sở để tính được tỷ lệ giảm nghèo

Tại Hội nghị sơ kết 2 năm giảm nghèo 2011-2012 khẳng định, chính sách giảm nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực và các đại biểu đều nhất trí với con số giảm nghèo mà các địa phương đưa ra. Tuy nhiên, có địa phương đề cập là một số chính sách giảm nghèo còn chồng chéo. Vì thế, Ban Chỉ đạo giảm nghèo đã rà soát lại công tác giảm nghèo, sắp xếp lại một cách hợp lý. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng đã giảm hỗ trợ trực tiếp các hộ nghèo mà thay vào đó là chính sách cho vay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng được vay.

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn liệu cơ sở để có được tỷ lệ giảm nghèo liệu có được hay không? Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, có cơ sở để tính được tỷ lệ giảm nghèo. Đó là năm 2012, mặc dù nền kinh tế-xã hội hết sức khó khăn nhưng kinh phí dành cho giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đã tăng lên. Nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo đã được thực hiện như: Khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người nghèo được mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tín dụng, nhà ở, đào tạo nghề...

Ngoài ra, Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho công tác giảm nghèo, an sinh xã hội...

Số người có việc làm mới khác nhau là do cách tính

Trả lời thắc mắc của nhiều đại biểu Quốc hội về số liệu chỉ tiêu việc làm giữa Tổng cục thống kê khác với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khác nhau, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ số liệu người có việc làm mới là hơn 1,347 triệu người, còn số liệu của ngành Lao động là 1,520 triệu người.

Có sự chênh lệch về số liệu việc làm mới giữa Tổng cục thống kê và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là do cách tính khác nhau.

Tổng cục thống kê tính toán theo cách, lấy số liệu việc làm của năm 2012 trừ đi số liệu của năm 2011 thì ra kết quả là 1,347 triệu việc làm mới. Còn cách tính của ngành Lao động là tính theo số liệu việc làm thay thế người nghỉ hưu cũng như số người đi xuất khẩu lao động.

Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta vẫn còn cao, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, phần nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như mới thành lập tiếp nhận lao động ở các vùng nông thôn.

Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế thế giới có nhiều biến động đã tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp trong nước. Vì thế, có nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc ngừng hoạt động và dẫn đến là họ sa thải lao động. Những lao động này khi không có việc làm nữa thì quay trở lại quê hương nhưng họ vẫn có việc làm nhưng với mức lương thấp hoặc công việc bấp bênh. Đây là nguyên nhân chủ yếu cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta vẫn còn cao./.