Đầu năm 2018, Công ty Lâm nghiệp Đường 9, tỉnh Quảng Trị rà soát, phát hiện hơn 800ha đất rừng đã bị lấn chiếm. Những người lấn chiếm là người dân địa phương và một số công nhân của công ty này.
Trước đó, Công ty Lâm nghiệp Đường 9 được giao quản lý gần 7000 ha rừng ở khu vực phía tây của huyện Gio Linh và huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị). Đến nay, nhiều diện tích rừng mất dần do bị xâm lấn.
Khu vực bị mất nhiều nhất là ở các xã: Cam Thành, Cam Tuyền thuộc huyện Cam Lộ.
Công ty Lâm nghiệp Đường 9 vận động người dân khai thác xong trả lại đất cho Công ty |
Ông Phạm Văn Thành (ở thôn Tân Lập, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) cho biết, hơn 10 năm trước, thấy nhiều người trong xã đưa cây tràm giống vào rừng để trồng tại một số khu vực đất hoang ven khe suối. Những khoảng đất này thuộc quyền quản lý của Công ty Lâm nghiệp Đường 9 nhưng trước đây, khi người dân trồng cây thì phía công ty không có phản ứng gì.
“Thời điểm người dân vào khai hoang diện tích đất bỏ hoang thì Công ty Lâm nghiệp Đường 9 không ngăn chặn và không giải thích là đất của công ty. Đến giai đoạn này công ty thu hồi sẽ gây khó khăn, khiến người dân thiếu đất sản xuất”, ông Thành cho biết thêm.
Sau khi rà soát lại toàn bộ diện tích đất rừng được giao, Công ty Lâm nghiệp Đường 9 phát hiện bị mất hơn 800 ha. Đã có hơn 200 người lấn chiếm đất rừng.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đường 9 cho biết, trong số những người lấn chiếm đất rừng có khoảng 15 người là công nhân của Công ty với diện tích lấn chiếm khoảng 40 ha.
Theo ông Nguyễn Hồng Thái, công ty đã thu hồi được hơn 150 ha. Diện tích còn lại sẽ thu hồi dần dần khi người dân thu hoạch xong lứa cây đang trồng hiện tại.
“Khi mà rừng trồng có giá trị thì bắt đầu họ xâm canh vào, bắt đầu từ khe suối họ xâm canh lên. Vừa rồi các hộ đã tiến hành theo chủ trương của công ty làm việc với các địa phương vận động bà con khai thác xong thì trả đất cho công ty để đưa vào sản xuất. Công nhân của công ty thì không có vấn đề gì vì cái đó thuộc chủ trương của công ty và họ đã thống nhất bắt đầu khai thác và trả lại đất cho công ty rồi”./.
Chuyển đất rừng sang làm rau VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao
Thanh tra “biệt phủ” hoành tráng nhất Quảng Ninh trên đất rừng
Hàng chục nghìn m2 đất rừng ở Gia Lai thành đất tư chia cho cán bộ
Đổi đời nhờ "gác kèo ong" ở đất rừng U Minh hạ