Mới đây dư luận quan tâm về việc Sở GT-VT Hà Nội đề xuất sau ngày 30/6/2018 sẽ thu hồi toàn bộ xe 3, 4 bánh tự chế, sau hàng loạt biện pháp nhưng không hạn chế được sự “nở rộ” của loại xe này. Dư luận quan tâm về tính khả thi của quy định tại thời điểm hiện tại.
Hệ lụy phương tiện “tử thần”
Theo thống kê từ Sở GT-VT Hà Nội, tính đến giữa tháng 5/2018, Hà Nội có 4.367 trường hợp sử dụng xe 3, 4 bánh tự đóng. Trong số đó chỉ có 593 trường hợp thương binh; 88 trường hợp bệnh binh; 99 trường hợp người khuyết tật. Thống kê của Sở GT-VT Hà Nội, hiện chỉ có 30 xe 3 bánh đã đăng ký, được phép lưu hành trên địa bàn thành phố để phục nhu cầu đi lại của thương binh. Như vậy, hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 3.500 xe giả danh xe thương bệnh binh, người khuyết tật... hoạt động trái phép.
Xe ba bánh luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. (Ảnh: KT) |
Các xe này với thiết kế sơ sài, không được đăng ký, không qua kiểm định, ngang nhiên lưu thông trên địa bàn TP. Hà Nội gây nguy hiểm cho chính người sử dụng cũng như những người tham gia giao thông khác. Trên nhiều tuyến phố chuyên buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng như: Cầu Giấy, Láng, Đê La Thành, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương... dễ dàng nhận thấy loại phương tiện này. Đáng lo ngại bởi những xe này thường chở hàng quá khổ, quá tải đi với tốc độ cao...
Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do xe 3, 4 bánh tự đóng gây ra. Đơn cử như tai nạn thương tâm khiến bé trai 10 tuổi chết do va chạm với xích lô chở tấm tôn dài trên đường Tân Mai, quận Hoàng Mai ngày 23/9/2016, hay vụ xe tự đổ làm một người chết tại đường Nguyễn Xiển ngày 10/6/2017...
Để giảm thiểu các hệ lụy do xe 3, 4 bánh tự đóng mang lại, các lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt ra quân bằng nhiều biện pháp tuyên truyền vận động, xử lý nhưng chỉ được thời gian ngắn tạm lắng, phương tiện này lại bùng phát, hoạt động mạnh trở lại. Trước thực trạng đó, Sở GT-VT Hà Nội đề xuất sau ngày 30/6/2018 sẽ thu hồi toàn bộ xe 3, 4 bánh tự đóng không đảm bảo quy định và không cho phép phương tiện này vận chuyển hàng hóa. Đối với chủ sở hữu xe là thương binh, thành phố sẽ tạo điều kiện để chuyển đổi việc làm đảm bảo mưu sinh.
Tịch thu hay quản lý?
Việc TP Hà Nội, Sở GT-VT vào cuộc xử lý nghiêm xe 3, 4 bánh giả danh xe thương binh, bệnh binh, người khuyết tật… góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông là việc làm đúng đắn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn trước đề xuất của Sở GT-VT về tịch thu phương tiện - tài sản của người điều khiển phương tiện liệu có đúng quy định pháp luật?
Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Vũ Thanh Nhàn, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có quy định: “Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ” thì hành vi sử dụng xe tự chế không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không được cấp phép về tiêu chuẩn chất lượng do cơ quan có thẩm quyền cấp là 01 hành vi bị cấm trong Luật Giao thông đường bộ.
Hà Nội có khoảng 3.500 xe giả danh xe thương bệnh binh hoạt động trái phép. (Ảnh: KT) |
Do vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 4, 5 Điều 17 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi: “Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông” sẽ bị xử phạt từ 800 đến 1 triệu đồng”.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 17 Nghị định 46, cụ thể: “...bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng”.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Công ty luật Hợp danh Đông Nam Á cho rằng: “Theo khoản 5 điều 17 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đối với xe không có giấy đăng ký xe và điều khiển xe lắp ráp trái phép theo quy định pháp luật có quyền xử phạt và tịch thu phương tiện”.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Mạnh Thuật hiện nay nhu cầu xã hội đối với xe 3, 4 bánh rất lớn. Phương tiện này đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng vừa vừa nhỏ nhỏ, giá trị thấp, chi phí rẻ, có thể len lỏi vào ngõ ngách nhỏ hẹp… Và hiện chưa có phương tiện vận chuyển hàng hóa nào thay thế được xe 3, 4 bánh tự đóng bởi để chở hàng hóa cồng kềnh giá trị thấp như 5 đến 7 thùng nước lavie hay vài bao tải gạo... mà thuê xe ô tô vận tải nhỏ, chi phí vận chuyển cao không phù hợp, và không ai bỏ tiền ra thuê. Thêm nữa, hiện phương tiện này đang là kế mưu sinh của rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo các phường, quận khẳng định, thường xuyên giao nhiệm vụ, yêu cầu lực lượng công an, thanh tra giao thông lập biên bản xử lý, nhưng không thể cấm tuyệt đối loại phương tiện giao thông này. Bởi lẽ, thực tế nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp là rất cao, trong khi đó, phần lớn đường giao thông đi lại trong khu tập thể, thôn, làng là ngõ nhỏ, nếu không có xe 3, 4 bánh người dân sẽ không biết vận chuyển vật liệu kiểu gì.
Dẫu biết, việc khai tử xe tự chế là việc làm khó khăn khi động chạm tới đời sống mưu sinh của hàng nghìn con người. Song vì sự phát triển của cộng đồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông… thì cần thiết phải thực hiện việc cấm xe tự chế không bảo đảm an toàn giao thông./.
Sẽ có phương tiện thay thế xe ba bánh tự chế?
Cả Hà Nội chỉ có 30 xe ba bánh tự chế được cấp phép