Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành GTVT sáng nay (10/1), báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, mục tiêu trọng tâm trong năm 2017 của Bộ GTVT tại là sẽ khởi công được một số đoạn tuyến quan trọng của dự án đường cao tốc Bắc – Nam. Trong đó, một số đoạn tuyến quan trọng dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay như: Ninh Bình - Thanh Hóa - Vinh, Dầu Giây - Phan Thiết, Quảng Ngãi - Quy Nhơn…Để đến năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành tuyến giao thông huyết mạch này.

bgtvt1_vov_ndwx.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành GTVT năm 2017.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đã đưa ra chương trình, lộ trình để xây dựng các đoạn tuyến nhằm nối thông tuyến cao tốc này. Theo đó, với chiều dài 1.376 km, tuyến cao tốc Bắc - Nam được chia thành 20 dự án thành phần để kêu gọi đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Chính phủ đã quyết định dành hơn 40.000 tỷ đồng (đợt 1) để phục vụ đối ứng cho dự án cao tốc Bắc – Nam, nhằm đảm bảo trong năm nay, Bộ GTVT sẽ khởi công xây dựng nhiều đoạn tuyến quan trọng của dự án, sớm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng tuyến cao tốc, đưa vào vận hành, kết nối kịp thời với các lĩnh vực vận tải khác.

Hoàn thành mục tiêu ở nhiều lĩnh vực

Báo cáo tổng kết công tác năm 2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm 2016, Bộ GTVT tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu vận tải, triển khai toàn diện các nhiệm vụ công tác của ngành.

Bộ hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016, ban hành theo thẩm quyền 50 thông tư và 13 quy hoạch, kế hoạch, đề án.

Để hoàn thành kết nối đồng bộ các phương thức vận tải, Bộ GTVT đang hoàn thiện đề án để phát triển hài hòa các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không. Hiện nay, lĩnh vực đường sắt đang được tập trung phát triển, nhất là việc tăng số lượng đội tàu hàng hóa để giảm tải cho đường bộ. Vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã thực hiện thành công việc giảm thời gian chờ tàu từ 90 tiếng xuống còn 54 tiếng và thị phần của vận tải đường sắt đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là vận tải container.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngành GTVT năm 2017.

Ở lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ GTVT sẽ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, phía Nam sẽ tập trung đầu tư vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhằm tăng cường tuyến vận tải Việt Nam - Campuchia; dự án luồng sông Hậu giai đoạn II; dự án nạo vét kênh Chợ Gạo và hệ thống cho các cảng lớn như: Cái Mép - Thị Vải, Tân Cảng - Hiệp Phước, đáp ứng tàu 50.000 tấn có thể ra vào. Khu vực phía Bắc đầu tư thông tuyến vận tải đường sông Thái Bình - Hà Nội - Vĩnh Phúc - Lào Cai, đồng thời cải thiện hệ thống vận tải thủy trên sông Hồng.

Lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT sẽ tăng cường đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng năng lực phục vụ 40 - 50 triệu hành khách/năm; mở rộng đường lăn, sân đỗ sân bay Nội Bài; Tiếp tục đầu tư mở rộng các sân bay: Đà Nẵng, Cát Bi…và chủ động lộ trình phát triển đội bay phù hợp với hạ tầng, chứ không thể phát triển nóng như hiện nay, để các sân bay có thể đáp ứng được năng lực vận tải.

Công tác bảo đảm an toàn hàng không được duy trì tốt, trong tình hình hoạt động bay và sản lượng hành khách thông qua cảng hàng không đều tăng 2 con số so với năm 2015. Cũng như hàng không, năm 2016, không xảy ra bất kỳ sự cố an ninh đối với hệ thống cảng biển Việt Nam. Các cảng biển Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn cho các tàu biển quốc tế, được tổ chức APEC và một số cơ quan hàng hải quốc tế kiểm tra, ghi nhận và đánh giá cao.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ngành GTVT phải tập trung đẩy mạnh tái cấu trúc cơ cấu ngành, đơn vị, lĩnh vực theo hướng hợp lý để nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy hiệu quả và hạn chế tối đa những thất thoát vô hình.

Quan tâm hoàn thiện thể chế để bổ sung, điều chỉnh, xử lý kịp thời các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc gắn với xây dựng cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án cấp bách, trọng điểm. Chú trọng xây dựng và hoàn thiện quy hoạch để làm cơ sở hoạch định chiến lược kế hoạch hóa đầu tư. Bộ, ngành, các địa phương cần tập trung huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý phải có giải pháp đồng bộ để tăng cường công tác đảm bảo TTATGT, ùn tắc giao thông, nhất là ở các khu đô thị trung tâm; đẩy mạnh phát triển vận tải đa phương thức để giảm thiểu chi phí vận tải; Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị chuyên trách để làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tăng cường tính tự chủ của các DN công ích, đẩy mạnh cổ phần hóa, nâng cao chất lượng SXKD.../.