Sáng 5/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam tổ chức Đại hội thi đua yêu nước "Tuổi cao – Gương sáng" lần thứ 3 và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Đây cũng là dịp nhìn lại chặng đường 20 thành lập và phát triển các cấp Hội người cao tuổi trên cả nước.

Nhân dịp này, phóng viên VOV phỏng vấn Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam về những đóng góp của các cấp Hội người cao tuổi, cũng như những hoạt động chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò người cao tuổi.

cu_thi_hau_viql.jpgAnh hùng Lao động Cù Thị Hậu

PV: Thưa bà, Đại hội thi đua yêu nước "Tuổi cao - gương sáng" lần thứ 3 (2015 - 2020) được xem là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển của các cấp hội người cao tuổi cả nước trong hoạt động cũng như tổ chức, vậy bà có thể nói rõ hơn về sự kiện này?

Bà Cù Thị Hậu: Đại hội "Tuổi cao - Gương sáng" lần thứ 3 đánh giá 5 năm phong trào thi đua của Hội người cao tuổi tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, cũng như phát triển kinh tế đất nước; kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội người cao tuổi Việt Nam (10/5).

20 năm qua, tổ chức hội đóng góp tích cực, đưa số hội viên lên 90%. Hiện nay, có 8,3 triệu người cao tuổi tham gia tổ chức hội. Hoạt động của Hội đã đem lại hiệu quả là bảo vệ quyền và lợi ích của người cao tuổi.

Đầu tiên, Chính phủ, Quốc hội ra Pháp lệnh cho người cao tuổi. Năm 2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi, đây là lần đầu tiên người cao tuổi có tên của mình trong Hiến pháp. Hiện có trên 1,5 triệu người cao tuổi không có lương hưu, không có chế độ phụ cấp đã được hưởng bảo trợ xã hội hàng tháng.

Đặc biệt, người cao tuổi không nơi nương tựa 60 tuổi được hưởng chính sách như miễn giảm tiền vé tàu, vé máy bay, xe bus, các điểm du lịch… Hội người cao tuổi cũng chủ động phối hợp với Bộ, ban ngành thực hiện nhiều chính sách, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò của người cao tuổi.

PV: Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh, Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam quan tâm đến những vấn đề gì, thưa bà?

Bà Cù Thị Hậu: Tổ chức Hội mới có ở Trung ương và hội ở cơ sở. Còn ở cấp tỉnh, huyện thì gọi là Ban đại diện. Chúng tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước sớm có nghị định thay thế Nghị định 45 để tổ chức của Hội sẽ thống nhất là có tên gọi ở Hội Trung ương, Hội địa phương tỉnh, huyện và cơ sở.

Chúng tôi đã trình Chính phủ ký thông qua Đề án Tháng hành động người cao tuổi. Chúng tôi sẽ cố gắng để làm sao cho tổ chức Hội huy động nguồn tham gia của cộng đồng và xã hội đối với người cao tuổi để người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc tốt hơn. Đối với người cao tuổi ở vùng núi, biển đảo thì số người được hưởng chính sách 80 tuổi bảo trợ như Nhà nước quy định là không nhiều.

Chúng tôi cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu, đối với người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn thì có thể rút xuống 75 tuổi để được hưởng quyền lợi. Nhà nước cũng nên có chính sách huy động cá nhân tham gia xây dựng trung tâm nuôi dưỡng người già vì càng ngày, số người cao tuổi càng nhiều, con thì lại ít, ở nhà không có người chăm sóc thì không tốt. Nhà nước cần có chính sách huy động cộng đồng và cá nhân có thể tham gia xây dựng trung tâm chăm sóc người cao tuổi.

PV: Thời gian tới, Hội người cao tuổi Việt Nam sẽ tập trung triển khai những hoạt động nào để phát triển cơ sở hội nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi cũng như chăm sóc người cao tuổi tốt hơn, thưa bà?

Bà Cù Thị Hậu: Thời gian tới, Hội tập trung xây dựng tổ chức vững mạnh, đáp ứng việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Chúng tôi sẽ thực hiện Đề án Tháng hành động người cao tuổi cũng chính là thể hiện công tác xã hội hóa trong hoạt động của mình.

Nhà nước có chính sách cụ thể với cán bộ Hội và hoạt động của Hội. Các phong trào vẫn tiếp tục triển khai như: Mắt sáng người cao tuổi, Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt sẽ có chương trình người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường ngày 5/6 tại Côn Đảo.

Đồng thời, Hội vẫn tập trung vào việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, tỷ lệ già hóa dân số nhanh, chính sách của nhà nước đã có nhưng chưa có đủ điều kiện thực hiện ngay được nên công tác xã hội hóa là vấn đề quan tâm của Hội./.

PV: Xin cảm ơn bà!./