100% người cao tuổi ở Việt Nam đều được nhận trợ cấp đầy đủ và đúng thời gian theo quy định nếu họ có đủ điều kiện được hưởng trợ cấp. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác người cao tuổi năm 2015 tổ chức sáng nay tại trụ sở Chính phủ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi chủ trì hội nghị.

nguoi_cao_tuoi_tr_advw.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận hội nghị về công tác người cao tuổi (Ảnh: Thu Hằng)
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho biết, hiện nay cả nước có hơn 9,4 triệu người cao tuổi, chiếm 10,45% dân số. Năm 2014, các tỉnh, thành phố đã chủ động trong triển khai thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi. 100% người cao tuổi đủ điều kiện được hưởng trợ cấp đều được nhận trợ cấp đầy đủ và đúng thời gian theo quy định.

Cả nước có khoảng 2,7 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và 1,5 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 49/63 tỉnh, thành phố thành lập khoa Lão khoa trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, hơn 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Các cấp hội Người cao tuổi đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – Gương sáng” với những nội dung thiết thực, phát huy được vai trò của người cao tuổi trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chưa xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi; chưa chủ động lồng ghép hoạt động của ngành, địa phương với công tác người cao tuổi. Nhiều tỉnh không hướng dẫn và chưa triển khai thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi; chưa có quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện giảm giá vé tham quan danh lam thắng cảnh với người cao tuổi; Việc thành lập Quỹ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi còn gặp khó khăn…

Bà Cù Thị Hậu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam kiến nghị: “Hiện mới có 13 tỉnh thành lập hội, 50 tỉnh mới chỉ có ban đại diện. Tôi đề nghị Bộ Nội vụ sớm trình Chính phủ ra Nghị định mới thay Nghị định 45. Chúng tôi đang làm đề án xin ý kiến của Ban Bí thư và các bộ ngành thành lập Đề án Tháng hành động người cao tuổi, dự kiến trong tháng 10. Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi đã thực hiện được 3 năm rồi nhưng tôi thấy một số chỉ tiêu chủ yếu không đạt được”.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, các bộ, ngành tiếp tục triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi, rà soát việc thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi, đảm bảo các chính sách đến được đối tượng người cao tuổi. Đẩy mạnh công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Về mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là việc quan trọng, cần tăng cường tuyên truyền, phát triển theo hướng mở rộng, xã hội hóa với mục đích để người già được sống khỏe mạnh, vui vẻ và hạnh phúc. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: “Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh thành lập khoa lão, tiếp tục nghiên cứu kết hợp với bảo hiểm y tế, sao cho chế độ chăm sóc bảo hiểm y tế với người già nhiều hơn. Hội người cao tuổi phải thiết thực chỉ đạo hội người cao tuổi các cấp tham gia tích cực vào việc vận động, mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân. Hiện nay, chúng ta có trên 70% tham gia bảo hiểm y tế nhưng phần lớn là do nhà nước bao cấp. Tới đây, Bộ Y tế đang trình chiến lược các bệnh không lây nhiễm, phần lớn đây là bệnh của người cao tuổi. Cần quyết tâm thực hiện việc này cho thật tốt”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị, cần tăng cường công tác truyền thông về công tác người cao tuổi, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, toàn xã hội trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Luật, các chính sách đối với người cao tuổi; Củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức Ban công tác người cao tuổi cấp tỉnh, huyện, xã theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ./.