Liên quan đến việc Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) trong 30 ngày, nhiều thông tin cho rằng, sau khi có quyết định tạm dừng, Chủ đầu tư BOT Cai Lậy đã sa thải toàn bộ nhân viên trạm khiến nhiều người bức xúc.

thu_fi_1_xxpw.jpg
Theo ông Nguyễn Phú Hiệp, thông tin sa thải toàn bộ nhân viên trạm là xuyên tạc, không đúng sự thật.

Chiều 8/12, ông Nguyễn Phú Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, đại diện Chủ đầu tư BOT Cai Lậy) khẳng định, thông tin sa thải toàn bộ nhân viên làm việc tại trạm là hoàn toàn bịa đặt.

"Lúc này đây, chúng tôi càng trở nên gắn kết và cố gắng hơn, thì sao có việc sa thải. Thông tin sa thải toàn bộ nhân viên tại trạm như một số trang tin đăng tải là xuyên tạc, không đúng sự thật", ông Hiệp khẳng định.

Theo ông Hiệp, hiện công ty có hơn 100 nhân viên làm việc tại trạm, với mức lương bình quân từ 5 - 20 triệu đồng/tháng, tùy vào vị trí.

Tuy trạm đã tạm dừng thu phí theo chỉ đạo của Chính phủ và gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn cố gắng và đáp ứng đủ nguồn kinh phí để duy trì trả lương, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ nhân viên làm việc tại trạm.

Cũng theo ông Hiệp, những nhân viên đã từng làm việc tại trạm đều là những lao động gắn bó. Và ngay lúc này, khi công ty gặp khó khăn thì tất cả đội ngũ lãnh đạo và người lao động trong công ty đều xác định đoàn kết, đồng cam cộng khổ để đối mặt. 

Trước đó, ngày 4/12, Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm dừng thu phí tại trạm này trong 30 ngày để xem xét xử lý.

Sau đó, ngày 5/12, ông Nguyễn Phú Hiệp đã có báo cáo nhanh gửi Văn Phòng Chính Phủ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Tiền Giang về vụ việc trên.

Các tài xế vui mừng khi Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy trong 30 ngày.

Cụ thể, ông Hiệp cho biết, sau khi nắm được thông tin qua báo chí về việc Thủ tướng có quyết định tạm dừng thu giá dịch vụ tại Trạm thu giá Km 1999+300 quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Cai Lậy), Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 cam kết sẽ thực hiện đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ GTVT cũng như các cơ quan chức năng liên quan.

"Thời gian qua tại trạm thu giá Km1999+300 quốc lộ 1 Tiền Giang liên tục xảy ra tình trạng xuất hiện các đối tượng trên địa bàn đến tập trung gây rối tại trạm thu phí với nhiều hình thức khác nhau.

Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang rất mong Chính phủ, Bộ Công an, Bộ GTVT cùng chính quyền tỉnh Tiền Giang sớm điều tra làm rõ các hành vi gây rối của các cá nhân và tổ chức, cũng như làm mất an ninh trật tự tại các khu vực lân cận làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của đại bộ phận dân cư đang sinh sống tại đây", ông Hiệp viết trong báo cáo.

Theo ông Hiệp, những hành động gây rối của những đối tượng trên đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp cũng như làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và nhân rộng ra sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của cả nước.

Ông Hiệp bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được sự chỉ đạo từ các cơ quan chức năng để đưa những thông tin đúng sự thật, phản ánh những hiện tượng, những cá nhân quá khích và những tổ chức chống phá tại trạm thu giá Km 1999+300 quốc lộ 1 Tiền Giang.

Đồng thời, nêu đúng bản chất vấn đề tránh tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng báo chí kích động quần chúng tại địa phương gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn và hình ảnh của tỉnh./.

Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng.

Trạm nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới trên 900 tỷ đồng, đoạn sửa chữa quốc lộ 1 trên 500 tỷ đồng. 

Sau hai tuần hoạt động, nhiều tài xế dùng tiền lẻ 200, 500 đồng vo tròn bỏ vào chai, bịch nylon hoặc đếm từng tờ khi qua trạm... nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý ở quốc lộ 1. 

Các tài xế cho rằng, việc chủ đầu tư đặt trạm BOT trên quốc lộ 1 để thu phí hoàn vốn tuyến đường tránh không hợp lý. Một số người khác thì cho rằng, phí thu tại trạm BOT này quá cao. Thậm chí, nhiều người còn mang heo quay ra “cúng trạm” và đập heo đất để lấy tiền trả phí.

Sau đó, Bộ GTVT đã họp, thống nhất giảm giá vé cho tất cả các phương tiện. Cụ thể, mức phí thấp nhất với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 25.000 đồng/lượt (trước 35.000 đồng), mức cao nhất 140.000 đồng (trước 180.000 đồng) với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe đầu kéo container trên 40 feet.

Theo chủ đầu tư, mức phí sẽ giảm 30% so với trước đây. Người dân tại 4 xã, gồm Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An (huyện Cai Lậy) được miễn phí qua trạm nếu như không kinh doanh vận tải./.