Để giải quyết những “lùm xùm” của trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đưa ra ba "kịch bản" để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy.

bot1_iika.png
Tài xế trả tiền lẻ để qua trạm BOT Cai Lậy trưa 2/12, sau đó trạm này đã buộc phải xả trạm.

Theo Bộ GTVT, "Kịch bản" thứ nhất là vẫn giữ nguyên trạm thu phí ở vị trí hiện tại, nhưng tăng cường vận động, cải thiện việc thu phí và phục vụ các nhu cầu của người tham gia giao thông. Ví dụ có chỗ cho lái xe dừng lại khi họ thắc mắc và nội dung thắc mắc sẽ được giải thích.

"Kịch bản" thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh theo yêu cầu, tức là phá phương án tài chính cũ và tính toán lại. Kịch bản này phải thương thảo với nhà đầu tư vì liên quan đến phương án tài chính và thời gian thu phí.

Khu vực qua trạm BOT Cai Lậy hướng từ TP.HCM đi miền Tây kẹt xe kéo dài hàng km, gây áp lực lên trạm thu phí, buộc nơi này phải xả trạm.

Còn "kịch bản" thứ ba, Bộ GTVT đưa ra là đặt hai trạm thu phí, một trạm đặt trên quốc lộ cũ để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ; một trạm được đặt trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến đường này.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu phải rà lại toàn bộ để xem xét. Do đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án để so sánh, lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, sau đó trình Thủ tướng quyết định.

Những câu hỏi nóng cần làm sáng tỏ…

Trước những “lùm xùm” của BOT thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như Hiệp hội vận tải cho rằng, Bộ GTVT phải thẳng thắn đối mặt với sự thật, không né tránh, xem xét toàn bộ quy trình đầu tư, vị trí đặt trạm có hợp lý không. Từ đó mới có thể giải quyết gốc rễ vấn đề.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, phương án di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy vào đường tránh là hợp lý, hợp lòng dân nhất.

“Còn khi mà Bộ GTVT nói là vị trí đặt trạm đúng thì Bộ GTVT phải chứng minh được cho người dân đúng như thế nào, để người dân hiểu và không phản đối”, ông Dương Trung Quốc phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, vụ việc trạm thu phí Cai Lậy, Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang không giải quyết được phải Thủ tướng vào cuộc rõ ràng hai cơ quan này đã làm không hết trách nhiệm. Để xảy ra căng thẳng kéo dài, lặp đi, lặp lại gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội về hình ảnh của BOT.

Ông Xuyền cho rằng, trong cuộc họp chỉ đạo những yêu cầu của Thủ tướng cũng là nguyện vọng của người dân. Thứ nhất dự án phải công khai, minh bạch dự án, nhà đầu tư đã làm những, kết quả của dự án ra sao. Nếu cho rằng đặt trạm thu phí ở vị trí như hiện nay là đúng thì đúng ở chỗ nào, cần phải giải thích cho người dân biết.

“Liên quan đến vấn đề BOT hiện nay có rất nhiều hạn chế, bật cập. Qua công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra hàng loạt những hạn chế. Các dự án BOT cần phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế như Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu thì khi làm mới đảm bảo bền vững, được người dân đồng thuận”, ông Xuyền cho biết.

Đồng tình với các quan điểm trên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cho rằng, trong thời gian dừng thu phí BOT Cai Lậy, các cơ quan nhà nước cần rà soát lại, đồng thời lắng nghe các ý kiến của người dân để đưa ra phương án hợp lý nhất.

“Các cơ quan, ban ngành cần xem xét nguyện vọng của người dân về việc di dời trạm thu phí ra khỏi QL1 vì trạm đó đặt sai vị trí chứ không phải vì vi phạm quy định của pháp luật. Đầu tư ở đâu phải thu phí ở đấy. Thiết nghĩ, Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan của tỉnh Tiền Giang nên xin lỗi người dân về việc đặt BOT sai vị trí và nhanh chóng xử lý dứt điểm những lùm xùm tại đây", ông Liên khẳng định./.