Sáng 2/8, tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hội đồng tiền lương Quốc gia họp phiên thứ 2, bàn và thương lượng về phương án tăng lương tối thiểu 2017. Cuối giờ trưa cùng ngày, Hội đồng 3 bên quyết định phương án tăng 7,3% mức lương tối thiểu vùng 2017.
Trước đó, phía đại diện chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn giữ quan điểm chỉ tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 ở mức 4,5 đến 5%. Tuy nhiên, VCCI sau đó đã chấp nhận tăng lên mức 6%.
Về phía đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau khi tính toán, trong đó có sự chia sẻ với phía doanh nghiệp, đã tạm hạ mức đề xuất tăng lương xuống còn 10%, so với mức đề xuất tăng 11,11% trước đó.
Tăng lương tối thiểu: Đừng nghĩ cứ họp là phải bàn tăng lương
Sau khi phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI không tìm được tiếng nói chung khi mức chênh lệch trong đề xuất vẫn là 4%, Hội đồng đã thống nhất đi đến bỏ biếu và thông qua phương án tăng lương được hội đồng đưa ra để bỏ phiếu là 7,3% với 14/15 phiếu đồng ý.
Cụ thể, mức lương tối thiểu năm 2017 Vùng I tăng thêm 250.0000 đồng/tháng; Vùng II tăng thêm 220.000 đồng/tháng; Vùng III tăng thêm 200.000 đồng/tháng và Vùng IV tăng thêm 180.000 đồng/tháng so với mức lương tối thiểu hiện tại.
Chiều 2/8, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức buổi họp báo thông tin cụ thể về vấn đề này.
Trước đó, ngày 20/7 tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, Hội đồng Tiền lương quốc gia gồm các thành viên đại diện cho 3 bên, gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã họp phiên thứ nhất để bàn, thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2017.
Tại phiên thương lượng lần thứ nhất, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chưa thể "chốt" được phương án tăng lương để đề xuất lên Chính phủ bởi còn sự "vênh" nhau quá lớn giữa đại diện cho người lao động và đại diện cho giới chủ./.