Trao đổi với báo chí sáng 13/7 bên lềDiễn đàn đối thoại chính sách Bảo hiểm xã hội mớivề việc Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhấn mạnh: Lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu được thực hiện hàng năm, mức điều chỉnh phụ thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội, tình hình tiền công trên thị trường, giá cả.  

Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết: Cuối tháng 7 này, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ tiến hành họp và sẽ chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.

tang_luong_zpkr.jpg
(Ảnh minh họa)

Theo ông Phạm Minh Huân, Hội đồng sẽ đánh giá trên tất cả các mặt. Năm nay, sẽ không chỉ nhìn nhận trong nhóm lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động, mà còn mở rộng ra khối lao động hiện có của thị trường lao động; mối quan hệ giữa tiền công của khu vực không có quan hệ lao động và tiền lương của khu vực có quan hệ lao động; sự cân đối giữa tiền lương của khu vực doanh nghiệp và khu vực cơ quan Nhà nước, từ đó để có chính sách cân bằng.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho  biết thêm, một điểm nữa chắc chắn phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Bản thân người lao động lúc nào cũng mong muốn cuộc sống tốt hơn. Nhu cầu đó hoàn toàn chính đáng. Nhưng khả năng kinh tế - xã hội, đặc biệt khả năng cạnh tranh quốc gia, năng suất lao động của chúng ta còn thấp, giá trị sáng tạo hiện tại muốn đáp ứng ngay được nhu cầu đó là hết sức khó khăn.

“Cho nên chúng ta cần có lộ trình. Điều quan trọng nhất là làm sao để doanh nghiệp tồn tại, phát triển, mở rộng sản xuất, thu hút được việc làm. Trên cơ sở đó có điều kiện nâng cao đời sống của người lao động. Điều đó mới đảm bảo sự hài hòa. Còn bây giờ người lao động đòi hỏi cao hơn, trong khi doanh nghiệp không có khả năng, sản xuất co lại, thậm chí giải thể, phá sản thì người lao động cũng không có việc làm. Cho nên bài toán lương trong doanh nghiệp phải hài hòa, hai bên phải chia sẻ cho nhau” – ông Phạm Minh Huân nói.

Năm nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị không tăng, nhưng Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị tăng ở mức thấp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chắc sẽ đề xuất điều chỉnh mức tăng. Như vậy, khoảng cách đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 giữa VCCI và Tổng Liên đoàn Lao động sẽ gần hơn so với mức đề xuất tăng năm 2016.

“Tôi nghĩ đang tăng mà dừng lại chắc là khó, nhưng mức tăng thế nào thì phải tính toán. Tuy vậy, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 chắc chắn sẽ thấp hơn năm 2016 (12,4% - PV). Kế hoạch là cuối tháng 7, hoặc tháng 8 sẽ chốt phương án để đề nghị với Chính phủ” – Thứ trưởng cho biết.

Về ý kiến của một số chuyên gia cho rằng mức tăng từ 8 – 10% là hợp lý, theo ông Phạm Minh Huân, đây là một phương án để tham khảo.

Liên quan đến vấn đề này, cũng tại Diễn đàn, ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, dựa vào đánh giá mức lương hiện hành chỉ đảm bảo được 80% mức sống tối thiểu của người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đề xuất mức tăng từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng (trên 11%) lương tối thiểu vùng năm 2017. Theo ông Quảng, để đưa ra số liệu này, phía Tổng Liên đoàn phải rất cân nhắc kỹ, đảm bảo cân đối giữa điều kiện doanh nghiệp cũng như đời sống của người lao động./.

Năm 2016, mức tăng lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp như sau: Vùng 1 là 3,5 triệu đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015), vùng 2 là 3,1 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng), vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng (tăng 300.000 đồng), vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).

Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn mức lương năm 2015 khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng, tăng trung bình khoảng 12,4%.