Liên quan đến thông tin về việc nhà thầu sử dụng băng keo chống thấm hầm chui trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đây là biện pháp bổ sung cho việc sửa chữa.

vec1_nzmp.jpg
Công nhân đang tiến hành gỡ bỏ lớp băng keo. Ảnh:PLO.

Theo ông Nguyễn Chí Chung, Chánh văn phòng VEC, thời gian qua đơn vị này đã nhanh chóng chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Tư vấn giám sát và Nhà thầu rà soát toàn bộ các vị trí thấm, dột và khẩn trương triển khai sửa chữa, khắc phục.

Để xử lý hiện tượng thấm, dột tại hầm chui (Km86+838), nhà thầu đã tiến hành bơm vật liệu chống thấm đặc chủng (vữa sika) vào bên trong để xử lý. Sau đó, dán băng keo bên ngoài các vị trí này để tạm thời phủ và bảo vệ nơi đã sửa chữa (có 4 điểm thấm, tại khe lún của cống).

Vị trí băng keo dán đã được gỡ ra tại hầm chui dân sinh thôn 4, xã Tam Mỹ Tây.
Ảnh:PLO.

“Việc sử dụng băng keo không có tác dụng chống thấm và chỉ được sử dụng như là biện pháp bổ sung cho việc khắc phục sửa chữa. Hiện tại, băng keo tại hầm chui (Km86+838) đã được tháo dỡ để tránh tình trạng dư luận hiểu không đúng và cũng để đảm bảo tính mỹ quan của công trình,” ông Chung khẳng định.

Còn ông Lê Quang Hào, Phó Tổng Giám đốc VEC cho rằng, không có chuyện dùng băng keo để chống thấm tại các hầm chui dân sinh trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Trong quá trình thi công, công nhân đã dùng băng keo dán trên dầm cầu để bảo vệ lớp sika chống thấm, khi vật liệu khô sẽ tháo ra.

Hầm chui dân sinh đoạn qua thôn 4, xã Tam Mỹ Tây. Ảnh:PLO.

Trước đó, ngày 28/10, VEC thừa nhận trên tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có nhiều cầu, hầm chui dân sinh xuất hiện hiện tượng thấm dột. Sau đó, VEC đã tiến hành xử lý, khắc phục các điểm này.

Được biết hạng mục hầm chui này thuộc gói thầu A2, do Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sơn Đông (Trung Quốc) làm nhà thầu thi công.

“Để xử lý hiện tượng thấm dột tại hầm chui (Km 86+838), nhà thầu đã tiến hành bơm vật liệu chống thấm đặc chủng (vữa sika) vào bên trong để xử lý. Sau đó, nhà thầu đã dán băng keo bên ngoài các vị trí này để tạm thời phủ và bảo vệ vị trí đã sửa chữa chứ không phải dùng băng keo để chống thấm”, ông Chung nói.

Trước đó, mặt đường cao tốc 34.000 tỷ này cũng đã bị hư hỏng và phải cào bóc sửa chữa lại.

Ông Chung khẳng định việc sử dụng băng keo là không có tác dụng chống thấm và chỉ được sử dụng như là biện pháp bổ sung cho việc khắc phục sửa chữa.

“Chúng tôi đã yêu cầu tháo gỡ băng keo tại hầm chui (Km 86+838) để tránh tình trạng dư luận hiểu không đúng và để đảm bảo tính mỹ quan của công trình” - ông Chung cho hay.

Được biết, hầm chui sử dụng băng keo cho công tác thi công bảo vệ chống thấm thuộc Km86+838 (nằm trên địa bàn thôn 4, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) thuộc hạng mục Gói thầu A2 (Km81+150-Km99+500) dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, do nhà thầu Tập đoàn Cầu đường tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) thi công./.