Tại Cao Bằng, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem là quê hương thứ 2, cũng đã lập bàn thờ Đại tướng tại khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

cang-bang4.jpg
Lán 34 chiến sỹ trong khu rừng Trần Hưng Đạo

Đoàn đại diện lãnh đạo và nhân dân tỉnh Cao Bằng và huyện Nguyên Bình đã đến Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Còn với những người không có điều kiện về Hà Nội viếng Đại tướng, có thể đến trụ sở xã Tam Kim và khu nhà tiếp khách tham quan rừng Trần Hưng Đạo, để thắp nén tâm nhang viếng Đại tướng.

Nơi này cách đây 69 năm, vào những ngày sơ khai của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp đã chủ trì buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Hôm nay tại đây, mọi người đều rưng rưng khi nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhớ đến những năm 1944 gian khó, từ 34 đội viên thủa xa xưa đó, trong khu rừng xa thẳm này, ngày nay đã trở thành Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Nhân dân các dân tộc Cao Bằng đến khu di tích thắp hương Đại tướng

Từ những vũ khí ban đầu hết sức thô sơ, hầu hết là giáo mác, nay Quân đội ta đã có những loại vũ khí hiện đại. Những thành quả đó của Quân đội ta có công lao vun trồng bao năm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Còn hôm nay tại khu rừng này, nhiều giọt nước mắt đã rơi khi người vun trồng đã đi xa về cõi vĩnh hằng.

Năm 2014, kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà không có sự chứng kiến của Đại tướng thân yêu, nhưng chắc chắn với bà con các dân tộc ở xã Tam Kim, cũng như tỉnh Cao Bằng, những hình ảnh cùng tình cảm của ông sẽ mãi mãi còn lại với khu rừng Trần Hưng Đạo lịch sử.   

Để tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại khu rừng này có bàn thờ được chính quyền và bà con thành kính lập bàn thờ đại tướng tại lán nhà ăn của 34 đội viên tuyên truyền giải phóng quân. Trên bàn thờ Đại tướng có những bông hoa cúc vàng, mộc mạc đơn sơ nhưng thắm đượm tình cảm của bà con các dân tộc nơi đây dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Người dân địa phương từ nhiều năm nay đã coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp như người thân trong gia đình, nên từ khi biết tin Đại tướng qua đời, nhiều nhà đã treo ảnh chân dung của Đại tướng trong nhà. Cùng với chính quyền địa phương, nhân dân đã tự nguyện tham gia nhiều công việc để chuẩn bị cho Lễ quốc tang của Đại tướng.

Thành tâm kính cẩn trước anh linh Đại tướng

Từ sáng sớm nay, bà con nhân dân địa phương đã thành kính và trang nghiêm về khu di tích rừng Trần Hưng Đạo để thắp hương viếng Đại tướng. Trong những ngày tới, UBND huyện Nguyên Bình tiếp tục duy trì lực lượng để đảm bảo cho mọi người dân địa phương cũng như du khách đến khu di tích rừng Trần Hưng Đạo dân hương Đại tướng Võ nguyên Giáp như: Phân công các tổ trực, chuẩn bị địa điểm đón khách đến viếng, cử người dẫn đoàn viếng tại lán nghỉ 34 chiến sỹ; bố trí thêm nơi đón tiếp khách trụ sở xã; bàn để mâm lễ, khăn đen dải bàn thờ, bàn lễ; sổ ghi cảm tưởng, sổ ghi đăng ký các đoàn, cá nhân đến viếng và bàn nghế ngồi ghi; Tổ chức vệ sinh trụ sở UBND xã, giải tỏa các chứng ngại vật vi phạm hành lang đường bộ (dọc theo đường tỉnh lộ 202) trên địa bàn xã.

Trong thời gian tới, để biến sự thương đau thành những việc làm cụ thể, cấp ủy, chính quyền huyện Nguyên Bình đề ra nhiều giải pháp tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống cách mạng là nơi khởi thủy của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Được biết, trong số 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, hiện chỉ còn duy nhất cụ Tô Văn Cắm (bí danh Tô Tiến Lực, sinh năm 1922 tại Bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) hiện còn sống.

Cụ Cắm hiện đang sinh sống tại thôn 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Hay tin vị chỉ huy đầu tiên, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam qua đời, cụ Cắm đã lập ban thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại gia đình./.