Chiến tranh với những thăng trầm thường tạo nên những huyền thoại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số những hình tượng quan trọng nhất trong chặng đường lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỉ 20 đến nay. Có lẽ vì lý do đó mà việc xây dựng một hình tượng văn học mang tên Võ Nguyên Giáp đến nay vẫn là thử thách của không ít cây bút văn học trong và ngoài nước.Đại tá, nhà văn Hữu Mai là người được chọn để viết hồi kí cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sinh thời, nhà văn Hữu Mai đã kể lại hành trình hơn 30 năm viết hồi kí cho Đại tướng không chỉ là chuyện công việc được giao phó mà còn là mối duyên nợ văn chương giữa đại tướng và nhà văn. Kết quả của mối duyên nợ ấy là 6 tập hồi kí: “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ” (1964); “Từ nhân dân mà ra” (1966); “Những năm tháng không thể nào quên” (1970); “Chiến đấu trong vòng vây” (hồi ký, 1995); “Đường tới Điện Biên Phủ” (1999); “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” (2000).
daituong1.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Hữu Mai
Bên cạnh đó, nhà văn Hữu Mai cũng cho ra đời cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang tên “Không phải huyền thoại”. Người đọc từng biết đến hình ảnh vị Đại tướng Tổng tư lệnh qua những văn bản lịch sử, những hồi ký và những thước phim tư liệu. Song phải đến “Không phải huyền thoại”, chân dung của ông mới hiện lên như một nhân vật văn học đúng nghĩa, với những ưu tư và trách nhiệm của một con người được lịch sử chọn.

Trong lời giới thiệu cuốn sách có viết: “Chiến tranh với những thăng trầm thường tạo nên những huyền thoại. Nhưng nhà văn Hữu Mai với mối quan hệ đặc biệt với nhân vật của mình, đã có cuộc hành trình trên trang giấy để tìm ra đâu là khía cạnh phi thường của một con người giữa quan hệ với muôn người, những ảnh hưởng đến sinh mệnh và cục diện chiến cuộc, đâu là khía cạnh chân thực của những nét ngoại cỡ của tầm vóc lịch sử”.

Nhà thơ Hữu Việt - con trai nhà văn Hữu Mai chia sẻ một chi tiết trong tác phẩm: “Đó là quyết định kéo pháo ra. Trong một số bài viết, Đại tướng có viết đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng. Phương châm của chúng ta lúc đó là “đánh nhanh, thắng nhanh” nhưng trong điều kiện thực tế, Đại tướng thấy “đánh nhanh, thắng nhanh” khó có khả năng giành chiến thắng. Đại tướng đã có một quyết định ngược lại với chủ trương ban đầu. Và dù thấy đúng nhưng ông phải thuyết phục được mọi người tổ chức lại trận địa, quyết định chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định là rất nhanh nhưng quá trình hình thành quyết định thì một tác phẩm văn học sẽ giải quyết được rất tốt. Tôi cho rằng đó là sự hấp dẫn của một tác phẩm văn học, cũng giống như nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới đã được thể hiện bằng tác phẩm văn học.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí xem lại và chỉnh sửa bản thảo Hồi kí

Với nhà thơ Anh Ngọc, tác giả bài thơ “Vị tướng già” viết từ năm 1994 thì hình ảnh Đại tướng khi đã về tuổi xế chiều bỗng hiện lên lặng lẽ, hiền hòa như cây lá nhưng lắng đọng trong lòng mọi vui buồn, hỉ nộ ái ố. Tác giả đã xây dựng hình ảnh “chậm rãi lần theo dấu gậy” - là một sự đối lập hóa hai chân dung của một con người - một tướng lĩnh xông pha trận mạc thời trẻ và một con người bình thường trong cuộc sống ở cuối dốc cuộc đời:

“Ru giấc mơ của vị tướng già

Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở

Một chân ông đã đặt vào lịch sử

Một chân còn vương vấn với mùa thu”

Có thể nói, so với các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, âm nhạc, điêu khắc thì hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong văn học chưa được khai thác nhiều. Chân dung Đại tướng mới chỉ sắc nét trong những tác phẩm hồi kí của người. Chính vì thế Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương cũng không thể hài lòng với những đứa con tinh thần của mình mặc dù đã có  “Những cánh rừng lá đỏ” - viết về chiến dịch biên giới 1950, đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012, trong đó có khắc họa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Những cuốn tôi viết về Điện Biên Phủ tôi đều nói về bác Giáp. Khi đã viết về chiến tranh thì không bao giờ thiếu bác Giáp. Qua báo chí trong nước và quốc tế, tôi còn thấy được Đại tướng là một thiên tài về quân sự” – nhà văn Hồ Phương chia sẻ.

Mặc dầu vậy, bạn đọc trên khắp thế giới đã biết đến tướng Giáp trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam. Nhiều học giả ngưỡng mộ đã tự nguyện giới thiệu ông đến bạn bè quốc tế. Đáng lưu ý, nhà văn người Mỹ Lady Borton chính là tác giả của những bản dịch tiếng Anh các tác phẩm: “Từ nhân dân mà ra”; “Chiến đấu trong vòng vây”; “Đường tới Điện Biên Phủ”; “Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử”, “Võ Nguyên Giáp thời trẻ”.

Sâu sắc, tỷ mỷ và cũng thật khiêm nhường, bà từng nói về bản dịch “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Bản thảo tôi đã dịch xong lượt một rồi nhưng còn phải kiểm tra nhiều lắm. Đây không phải là cuốn sách mình viết nên mình phải tôn trọng tuyệt đối với người viết. Mình chỉ là người dịch. Làm sao để người đọc cho là đó là quyển sách của một người Việt rất giỏi tiếng Anh”.

Còn khi nói về bản dịch cuốn hồi ức “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” – một trong những thành tựu dịch thuật của mình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Lady Borton nói: “Tôi mất rất nhiều năm để hoàn thiện cuốn sách này. Lịch sử của các bạn có một bề dày truyền thống mà để hiểu được nó, tôi phải đọc và nghiên cứu rất kỹ. Tôi khâm phục tinh thần, ý chí cũng như sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Khi đọc cuốn sách đó và dịch nó ra tiếng Anh, tôi hiểu cặn kẽ hơn về nguyên nhân dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Nó cũng khiến tôi hiểu được vì sao người Mỹ không bao giờ thành công trong cuộc chiến tại Việt Nam”.

Có lẽ, trong tương lai, hình ảnh nhân vật văn học Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ là đề tài thử thách nhiều cây bút. Con người và sự nghiệp vĩ đại của vị tướng của lòng dân sẽ mãi là nguồn cảm hứng vô tận. Nhưng để có được những tác phẩm thực sự hấp dẫn, một hình mẫu văn học xứng tầm cần có sự đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc./.