Mặc dù đang sinh sống tại TP.HCM, nhưng trong những ngày qua, cựu chiến binh Đào Sơn – nguyên Phó trưởng đoàn Văn công Pháo binh Quân giải phóng, đã có mặt ở Hà Nôi để vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Người cựu chiến binh 70 tuổi này là tác giả ca khúc “Noi gương anh Cả toàn quân” viết về Đại tướng.

Phóng viên VOV online đã phỏng vấn nhạc sỹ Đào Sơn về ca khúc đặc biệt này và những chia sẻ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

PV:Nhạc sỹ có thể cho biết ca khúc “Noi gương anh Cả toàn quân” được ra đời trong hoàn cảnh như thế nào?

Nhạc sỹ Đào Sơn: Năm 2009, nhân chuyến công tác ra miền Bắc cùng Đoàn ca múa nhạc của Hội cựu chiến binh TP.HCM, chúng tôi có cơ hội để được gặp mặt các vị lãnh đạo trong kháng chiến chống Mỹ, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì thế, tôi vô cùng háo hức và niềm vui ấy đã giúp tôi có cảm hứng để sáng tác ca khúc “Noi gương anh Cả toàn quân”.                             

Nghe ca khúc "Noi gương anh Cả toàn quân"
Viết về Đại tướng có thể dùng rất nhiều hình thức, thể loại, bằng những tác phẩm lớn của âm nhạc. Đây cũng là thử thách lớn đối với tôi. Nhưng bằng tri thức âm nhạc khiêm tốn của mình, tôi đã cố gắng viết nên ca khúc này để khắc họa hình tượng Đại tướng, như một người “anh Cả” dưới quân kỳ, đằng sau là đội quân khí thế của bộ đội Cụ Hồ.

Song ở thời điểm đó, vì điều kiện sức khỏe của Đại tướng không cho phép, chúng tôi chưa có cơ hội để gặp được Đại tướng như mong muốn. Đến tháng 4/2010, nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng, NSND Trần Hiếu đã thu âm lại ca khúc và dành tặng bản thu ấy cho Đại tướng thông qua đồng chí Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Bình. Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, được biết là Đại tướng đã rất vui khi được nghe những giai điệu của “Noi gương anh Cả toàn quân” bên giường bệnh.

Sau đó, tôi càng hạnh phúc hơn khi biết ca khúc này của mình trở thành bài đầu tiên nói về Đại tướng được phát sóng trực tiếp trên sóng truyền hình Trung ương vào tháng 6/2012.

Trong vài năm trở lại đây, ca khúc còn được đăng tải trên cả một số trang mạng xã hội, nhưng lại có tên là “Noi gương anh Cả toàn dân”. Thực chất, ca khúc của tôi vẫn giữ tên là “Noi gương anh Cả toàn quân”, có như vậy, mới giữ trọn vẹn ý nghĩa mà tôi muốn gửi gắm qua tiêu đề.

PV:Trong sự nghiệp của mình, nhạc sỹ đã có những cơ hội nào được gặp gỡ với Đại tướng? Nhạc sỹ có thể chia sẻ thêm một số câu chuyện về những lần gặp gỡ đó?

Nhạc sỹ Đào Sơn: Khi 19 tuổi, tôi học xong phổ thông. Mùa hè năm 1963, từ Hà Nội, tôi lên đường nhập ngũ và đơn vị tôi may mắn được Đại tướng đến thăm. Khi đó, người có nói: “Các đồng chí chuẩn bị vì miền Nam” cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu quốc. Với chúng tôi, lời của người như một lời nhắc nhở vô cùng tự nhiên, và như ngọn lửa bùng lên trong trái tim của tôi và bao người lính trẻ. Sau đó, Trung đoàn 28 Pháo binh của chúng tôi trải qua 6 tháng vác pháo, “xẻ dọc” Trường Sơn đi cứu nước. Ở thời điểm đó, chúng tôi tiếp tục có 3 lần được Đại tướng gửi điện quan tâm.

Vào mùa xuân năm 1969, từ đơn vị chiến đấu, tôi cùng anh em thành lập đoàn Văn công Pháo binh Nam Bộ. Tôi làm đội trưởng đội nhạc, và sau đó, trở thành Phó đoàn Văn công. Anh em trong đoàn Văn công gặp rất nhiều khó khăn và bất lợi khi phải đối mặt với điều kiện tập nhạc trong hầm để tránh bom đạn. Thậm chí, đã có người trong đoàn phải chịu hy sinh. Về sau, đoàn Văn công cũng được bổ sung thêm những người có đào tạo bài bản, mở những lớp tập huấn, ngắn ngày ở chiến khu, trong đó có lớp sáng tác chỉ huy âm nhạc mà tôi cũng từng tham gia. Mặc dù đoàn Văn công còn gặp nhiều trở ngại nhưng bản thân Đại tướng vẫn rất động viên anh em quan tâm tới hoạt động văn hóa, văn nghệ.

p1020589.jpg
Nhạc sỹ Đào Sơn trong thời gian công tác tại đoàn Văn công Pháo binh 
Tôi học âm nhạc từ nhỏ ở Hà Nội là chính, nhưng tôi luôn biết ơn các nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, Thanh Cao, Thanh Sử, Xuân Hồng, Lưu Nhất Vũ… và một đội ngũ có tay nghề của Cục chính trị Quân giải phóng về tăng cường cho Văn công Pháo binh cùng sự động viên của Đại tướng, để tôi lớn lên cùng anh em hoàn thành nhiệm vụ ấy.

PV:Hình ảnh của người “anh Cả toàn quân” ấy đã lưu lại trong ông những giá trị và những tư tưởng như thế nào về một người lính, một nhà quân sự, và một vị đại tướng?

Nhạc sỹ Đào Sơn: Chưa bao giờ, ngay cả trong những câu chuyện của các chiến sỹ khác kể về Đại tướng mà thấy người to tiếng mắng mỏ ai. Chưa có vị Đại tướng nào nắm rõ khả năng mạnh - yếu của từng đại đội, tính đến từng giọt máu của chiến sỹ.

Đại tướng là một tài sản quý giá của dân tộc và của cả nhân loại về tinh thần, ý chí, văn hóa mà những người yêu hòa bình vẫn dành sự tôn kính. Mặc dù là một người lính, một người lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại được tôn là vị tướng của dân, vì hòa bình.

PV:Vậy trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cảm xúc đọng lại trong ông hiện tại như thế nào?

Nhạc sỹ Đào Sơn: Trước hết, đối với tôi, sự ra đi của Đại tướng là nỗi đau thương mất mát lớn của chúng ta, nhưng cũng có thể coi đó là “thời cơ vàng” để một lần nữa khẳng định lại lịch sử… Hơn nữa, sự ra đi ấy đã khôi phục lòng người với vận mệnh của đất nước, khôi phục niềm tin và sự gắn kết giữa những con người trong cùng một dân tộc với nhau.

PV:Xin cảm ơn nhạc sỹ./