Kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện từ năm 2008 đến đầu năm 2017 cho thấy, mặc dù đối tượng tham gia ngày càng tăng, nhưng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn rất chậm.
Tính đến hết tháng 3/2017, mới có 235.000 người tham gia, chiếm gần 0,5% lực lượng lao động. Tới đây BHXH Việt Nam sẽ triển khai nhiều biện pháp để tiếp cận người dân, tuyên truyền vận động họ tham gia BHXH tự nguyện để hưởng quyền lợi khi về già. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng Ban thu (BHXH Việt Nam) về nội dung này:
PV: Xin ông cho biết chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có gì bất cập khiến người dân chưa mặn mà?
Ông Nguyễn Trí Đại: Theo báo cáo, số người tham gia BHXH tự nguyện đến 31/3/2017, toàn quốc có trên 204 nghìn nguời. Người tham gia BHXH tự nguyện tăng 9.000 người so với cùng kỳ năm 2016. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Nguyên nhân có nhiều nhưng có nguyên nhân cơ bản là tâm lý của người dân khi tham gia loại hình BHXH này. Mặc dù loại hình này đã được thực hiện gần 10 năm, chính sách về BHXH tự nguyện người dân tiếp cận chưa nhiều và chưa yên tâm khi tham gia BHXH tự nguyện. Dân còn so sánh giữa việc tham gia BHXH tự nguyện với người lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Về tỷ lệ đóng, đương nhiên người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng tương đối cao (22%), còn người hiện đang lao động và đóng BHXH bắt buộc đóng 26% nhưng trong đó người lao động chỉ đóng 8%. Thứ hai, thời gian đóng BHXH tự nguyện còn dài nên người dân chưa yên tâm, biết đâu sau này chính sách lại có gì thay đổi.
PV: Khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì quyền lợi về BHYT như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trí Đại: Khi tham gia BHXH tự nguyện thì chế độ chỉ thực hiện với hưu trí và tử tuất, về BHYT, người dân sẽ tham gia theo hướng BHYT hộ gia đình. Họ không có quyền lợi y tế gắn với BHXH tự nguyện. Khi đóng 22% này chỉ để thực hiện chế độ cho hưu trí và tử tuất.
Có lẽ người dân cũng đang so sánh câu chuyện khi tham gia BHXH tự nguyện với tham gia BHXH bắt buộc. Khi người tham gia BHXH bắt buộc đóng 34,5% nhưng trong đó bao gồm có cả ốm đau, thai sản, dưỡng sức, BHYT, BH thất nghiệp, hưu trí, tử tuất… Mục tiêu của tham gia BHXH là tích lũy khi còn trẻ để cho về già. Ở đây, nếu đối tượng này đóng nhiều như BHXH bắt buộc thì liệu người dân có chịu được không?
PV: Hiện rất ít người lao động tự do, lao động trong khu vực phi chính thức... tham gia loại hình này. Vậy, theo ông, khó khăn khi mở rộng đối tượng tham gia là gì?
Ông Nguyễn Trí Đại: Do chính sách mới, thực hiện từ 2008, công tác tuyên truyền đã triển khai nhưng lượng tuyên truyền thì chưa nhiều. Người dân cũng chưa nắm được sự thay đổi trong chính sách BHXH tự nguyện trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, thời gian tới chúng tôi tập trung tuyên truyền, đặc biệt là quyền lợi của người tham gia.
Có ý kiến nói rằng, số tiền đóng tham gia BHXH tự nguyện không lãi bằng gửi ngân hàng. Nếu tính toán như vậy thì việc đóng này hưởng lợi hơn rất nhiều. Vì khi thực hiện tham gia BHXH tự nguyện thì số tiền không phải ở mức cao, quyền lợi của người tham gia được Nhà nước bảo đảm, hàng năm có việc điều chỉnh mức đóng theo trượt giá. Rõ ràng, đây là điều kiện khi người dân tham gia BHXH tự nguyện yên tâm trong việc tiền của mình được sử dụng.
Quỹ BHXH mang tính tích lũy chứ không phải mang vào kinh doanh giống như các loại hình bảo hiểm khác. BHXH tự nguyện sẽ giúp bảo đảm cho cuộc sống của người lao động khi về già, đặc biệt là những người có thu nhập bấp bênh, khi có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện khi không còn đủ sức khỏe lao động nữa thì họ có một khoản tiền nhất định hàng tháng để đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
PV: Mới đây, Hội Nông dân đề xuất nhà nước hỗ trợ 40-50% mức đóng BHXH tự nguyện cho đối tượng nông, lâm, ngư nghiệp... để thu hút nhiều người tham gia. Theo ông có nên tăng mức không?
Ông Nguyễn Trí Đại: Theo tôi, việc Nhà nước hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện cần kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để tăng mức hỗ trợ cho người dân.
Hiện nay, đối với người tham gia BHXH bắt buộc đã được các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động đóng tổng mức là 26%, trong đó 18% là chủ sử dụng lao động đóng còn người lao động chỉ đóng 8%. Nếu nhà nước hỗ trợ được từ 40-50% cho người tham gia BHXH tự nguyện thì người dân sẽ tham gia BHXH tự nguyện ngày càng nhiều hơn. Còn như hiện nay thì chủ yếu là những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nhưng đến thời gian nghỉ hưu chưa đủ điều kiện.
PV: BHXH Việt Nam cần có giải pháp nào nhằm thu hút người dân mua BHXH tự nguyện?
Ông Nguyễn Trí Đại: Việc tham gia bảo hiểm ở các loại hình khác thì mức đóng một năm rất cao, có trường hợp đóng trên 100 triệu. Nhưng vì sao người ta lại tham gia đông như vậy? Còn BHXH tự nguyện lại ít người tham gia như vậy? Tôi cho rằng công tác truyền, vận động đến người dân vẫn còn hạn chế.
BHXH đã mở rộng về các địa bàn, đặc biệt là các đại lý. Trước đây, đại lý tập trung ở các xã, phường, bưu điện. Qua quyết định 1599 của BHXH Việt Nam về việc tổ chức mạng lưới đại lý thì các tổ chức này sẽ được mở rộng ra các tổ chức như thanh niên, phụ nữ, trạm y tế, các tổ chức có đủ điều kiện làm đại lý thu…
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Thực hư việc tham gia bảo hiểm xã hội không bằng lãi gửi tiết kiệm
Giảm mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với người sử dụng lao động