Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong các chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2008 theo qui định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006; trong đó có các nội dung qui định về đối tượng, mức đóng, phương thức đóng, mức hưởng các chế độ BHXH tự nguyện.
Đến ngày ngày 20/11/2014 Quốc hội đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 để thay thế Luật BHXH năm 2006 quy định về chính sách BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Theo đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không khống chế trần tuổi. Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên đều được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
Là "dây an toàn" cho tuổi già, nhưng BHXH tự nguyện vẫn chưa thực sự được nhiều người quan tâm. |
Phương thức đóng cũng được bổ sung linh hoạt, ngoài đóng hàng tháng, 3 tháng – 6 tháng một lần, người tham gia còn có thể đóng 12 tháng/lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm (60 tháng)/lần; Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo qui định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để được hưởng lương hưu.
Việc thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.
Mức đóng, thu nhập người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng: Hạ thu nhập người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thông tại thời điểm đóng.
Ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam giải thích thêm, theo qui định của Luật BHXH năm 2006 thì mức thu nhập lựa chọn làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và từ tháng 5/2013 là mức lương cơ sở. “Luật BHXH 2014 đã hạ thu nhập người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng” – ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Mai Đức Thắng, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện thực hiện kể từ ngày 1/1/2018 theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Lương hưu cho người tham gia BHXH tự nguyện
Các chế độ BHXH được hưởng bao gồm: Chế độ hưu trí (được hưởng lương hưu), với nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi trở lên, có đủ từ 20 năm đóng BHXH (bao gồm cả thời gian đóng BHXH bắt buộc) trở lên.
Mức hưởng: Từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017 tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH, só đó cứ thêm mỗi năm thì thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng BHXH.
Người tham gia BHXH tự nguyện lưu ý, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, NLĐ được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Người tham gia bảo hiểm tự nguyện được hưởng lương hưu ngay từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu. Trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm tự nguyện, thì thời điểm hưởng lương hưu là tháng liền kề sau tháng dừng đóng và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Nếu người lao động dừng tham gia bảo hiểm tự nguyện và chuyển sang bảo hiểm bắt buộc, hưởng bảo hiểm một lần, qua đời hoặc Tòa tuyên án đã chết thì sẽ được trả lại số tiền đã đóng trước đó. Tiền hoàn trả bằng tiền nhà nước đã hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng đầy đủ các chế độ tử tuất (mai táng phí, trợ cấp tuất)./.