Với sự can thiệp của ngành chức năng, mối quan hệ lao động ở doanh nghiệp này cuối cùng cũng được hàn gắn. Nhưng qua sự việc, mọi người phải nhìn nhận một thực tế là nhiều vấn đề liên quan đến bảo đảm sức khỏe, điều kiện làm việc cho người lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ áp đảo với trên 80%, vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, cụ thể là các văn bản pháp luật chưa rõ ràng và chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến việc các doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các quy định, chính sách về lao động nữ, nhất là các chính sách chăm sóc sức khỏe.
Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, chuyên gia về trách nhiệm xã hội của một tổ chức phi chính phủ phân tích: "Cái gốc là nhận thức, trách nhiệm xã hội họ chưa được huấn luyện một cách đầy đủ nhất nên không thể làm tốt được. Và họ nghĩ làm thì tốn kém nhưng thật ra đó là sự đầu tư lâu dài cho xã hội, đem lại lợi nhuận và phát triển bền vững cho doanh nghiệp".
Có thể nói, việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, nhất là với lao động nữ là rất quan trọng, góp phần tăng năng suất lao động và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một trong các doanh nghiệp thực hiện tốt việc chăm lo cho nữ công nhân là Công ty Pouyuen, đơn vị có 150.000 lao động với hơn 80% là nữ.
Ông Cù Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouyuen chia sẻ kinh nghiệm: "Công ty luôn tập trung chăm lo cho phụ nữ từ công việc cho đến phúc lợi. Chị em mang thai khi làm việc có ghế ngồi riêng, có phòng vắt sữa mẹ. Nữ công nhân từ sinh con đến khi con dưới 6 tuổi được hỗ trợ mỗi tháng 150.000 đồng. Các em từ 2 đến 3 tuổi thì được gửi vào nhà trẻ Mặt trời nhỏ gần công ty".
Để cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ, theo các chuyên gia, trước hết cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng, tất cả các quy định pháp luật phải thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới, đồng thời phải nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội cho các doanh nghiệp.
Bà Phạm Nguyên Cường, nguyên Phó vụ trưởng vụ bình đẳng giới của Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Phó Giám đốc văn phòng Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ cho rằng: trách nhiệm đầu tiên thuộc về Nhà nước, phải có những chính sách dẫn đường để người sử dụng lao động thực hiện:
Bà Phạm Nguyên Cường nói: "Tôi nghĩ về lâu dài phải có chính sách để bảo vệ một cách toàn diện nhất chứ không thể đơn lẻ những doanh nghiệp có nhận thức tốt thì làm còn những doanh nghiệp không có nguồn lực hay nhận thức thì chưa giải quyết được. Chúng ta phải tạo ra một bình diện chung cho tất cả mọi người lao động được thụ hưởng".
Với doanh nghiệp, ngoài việc tuân thủ Bộ luật Lao động, còn phải đảm bảo điều kiện an toàn, môi trường vệ sinh, đầu tư các dịch vụ tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Lợi ích trước mắt là giúp công nhân hết lòng với công ty, yêu thích công việc, tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tốt đẹp qua việc đóng góp cho cộng đồng xã hội, tăng uy tín trên thương trường.
Ông Võ Tân Thành, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh nói: "Đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, không những giúp nâng cao uy tín đối với khách hàng, ký kết được các hợp đồng mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển lực lượng lao động, tăng năng suất lao động, hiệu quả doanh nghiệp và phát triển bền vững".
Việc tạo dựng một môi trường lao động tốt là cơ sở cho việc thiết lập mối quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp đang dần được chú trọng hơn. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may và da giày, đây là một trong những yếu tố tiên quyết cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vì nếu không có lực lượng lao động khỏe mạnh, tận tụy với công việc thì doanh nghiệp không thể ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Đó cũng là con đường ngắn nhất dẫn tới sự phát triển bền vững, ổn định về xã hội và tăng trưởng kinh tế của quốc gia./.