Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng: Trách nhiệm đảo bảo an toàn cho người lao động trước hết thuộc về người sử dụng lao động. Hiện nay, có nhiều văn bản quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo an toàn, kể cả trong công tác huấn luyện, trang bị an toàn cho người lao động những kỹ năng, phương pháp, nhưng việc triển khai từ văn bản đến người sử dụng lao động vẫn còn nhiều bất cập. Việc thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành trung ương cũng khó có thể hoàn thành trọn vẹn do hệ thống thanh tra lao động của Việt Nam hiện nay khoảng hơn 400 người, trong khi đó nước ta hiện có tới hơn 700.000 doanh nghiệp.

“Do vậy, vấn đề chúng tôi quan tâm nhất hiện nay chính là lực lượng cán bộ về an toàn của chính doanh nghiệp. Đây mới là lực lượng chính để chúng ta trang bị kỹ năng, phương pháp để kiểm tra, thanh tra, phát hiện và ngăn ngừa những tai nạn có thể xảy ra trong doanh nghiệp của họ” – ông Hà Tất Thắng nói.

 

ong_thang_qqey.jpgÔng Hà Tất Thắng

PV: Thưa ông, trong rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, người lao động thiệt mạng phần nhiều do thiếu kỹ năng thoát hiểm. Vậy công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn cho người lao động được thực hiện như thế nào?

Ông Hà Tất Thắng: Do áp lực về việc làm, cuộc sống, nhiều lao động từ nông thôn  sẵn sàng chấp nhận làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Đặc biệt đối với đơn vị tư nhân, họ sẵn sàng làm việc với nhau theo kiểu hợp đồng miệng thì các cơ quan chức năng không kiểm soát hết được. Do đó, Cục đang tập trung vào việc xã hội hóa các Trung tâm huấn luyện. Trong thời gian tới, ngay cả với các trung tâm tư nhân đạt chuẩn để cung cấp dịch vụ huấn luyện, lao động tự do có thể đăng ký học tại các trung tâm này để có chứng chỉ hành nghề.

Thông tư 27 mới được ban hành cũng yêu cầu rất kỹ về giảng viên, cán bộ an toàn. Trước kia, thời gian đào tạo chỉ là 24 giờ, hiện nay đã được tăng lên 48 giờ, trong đó, các cán bộ được đào tạo kỹ cả về lý thuyết và hiểu biết pháp luật, về những kỹ năng sư phạm và phương pháp để giảng dạy cho người lao động.

Ngoài ra, mức độ xử phạt chủ sử dụng lao động không thực hiện huấn luyện hiện nay cũng tăng lên từ 25 - 30 triệu đồng nhằm tăng tính răn đe.

PV: Ông có thể cho biết năm qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã thanh tra được bao nhiêu vụ tai nạn lao động, với số vụ xử phạt như thế nào?

Ông Hà Tất Thắng:Năm qua, thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức thanh tra vùng với hơn 40 doanh nghiệp trong ngành than, tập trung vào các doanh nghiệp khai thác than và cũng đã xử lý, xử phạt. Trong các điều tra tai nạn lao động thì hiện nay chúng tôi thống kê được hơn 600 vụ tai nạn lao động chết người trong cả nước. Hiện có 3 vụ đề nghị khởi tố.

Tại các địa phương, lực lượng thanh tra về an toàn vệ sinh lao động đông nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đồng Nai, còn ở các địa phương khác rất mỏng, chỉ có từ 2 đến 3 thanh tra. Tuy nhiên, số cuộc tự kiểm tra của doanh nghiệp mới quan trọng, bởi vì chúng ta có hơn 700.000 doanh nghiệp, mà trong những doanh nghiệp lớn có thể có 30 - 40 cán bộ về an toàn. Trong doanh nghiệp nhỏ thì cũng có cán bộ chuyên trách và vừa rồi trong Điều 139 của Bộ Luật lao động có quy định những doanh nghiệp làm những nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì từ 10 lao động trở lên đã phải bố trí cán bộ an toàn.

Hiện nay, thanh tra của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang triển khai thanh tra 2 đoàn thanh tra ở Huế và tới đây sẽ tổ chức Tuần lễ quốc gia. Tuy nhiên, thanh tra của các Bộ thì chỉ xây dựng, đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ và thanh tra điểm ở các tập đoàn, tổng công ty mang tính chất liên ngành trên toàn quốc, còn không thanh tra thay thanh tra các địa phương.

PV: Xin cảm ơn ông./.