Chắc sẽ không có nhiều người có được cái niềm đam mê đáng nể như ông trong suốt cuộc đời làm báo. Mê mải đi, mê mải viết. Đã đi là đi đến tận hang tận hốc, đã dốc là dốc tận ruột tận gan. Có ngày ông đi cả năm, bảy chục cây số đường rừng. Có đợt đi cơ sở kéo dài đến gần một quý. Quả không quá một lời nào khi nói rằng, cho đến giờ, thời gian vẫn lẽo đẽo theo sau ông, như để ghen tị với một con người quên cả thời gian vì nghiệp viết. Ông là nhà báo, nhà văn Đặng Quang Tình.

nha_bao_mlfz.jpg 
 

Nhà báo, nhà văn Đặng Quang Tình

Cái “nghiệp” với Đài phát thanh

Ông ít nói, nhưng sẵn lý sự. Khi đến cơ sở, cái lý sự của ông có lúc được tôn thành cái lý của nhà Đài, thậm chí còn được coi là cái lý của Chính phủ. Cái thời chiến tranh chống Mỹ là thế. Dân tin Đài lắm. Dân bảo Đài là tiếng nói của Đảng, của Chính Phủ, của Bác Hồ. Cũng đúng thôi, hồi đó làm gì có báo, có truyền hình, có internet, có smartphone như bây giờ, thế nên tất tật đều dành sự yêu mến, tin cậy cho Đài Tiếng nói Việt Nam.

Năm 1967, khi đến Bắc Yên, Sơn La để phản ánh ngày hội “Thực phẩm chống Mỹ”, ông đã sử dụng “cái lý nhà Đài” để cứu một pha “chết đến đít” cho nhóm cán bộ thu mua thực phẩm của huyện. Chuyện thế này, bản Chếu A là bản có con lợn to nhất, đến hơn 3 tạ. Dân bản Chếu A dậy từ sáng sớm, người dắt mũi, người đẩy đít, người bắt chân con ỉn ục ịch, trên lưng có dòng chữ “lợn chống Mỹ” về bãi cân. Dân làng hí hửng thế nào cũng nhận được giải thưởng con lợn to nhất, mà đã được giải thưởng thì chắc sẽ được đưa vào chiến trường đầu tiên. Tự hào quá đi chứ. Nào ngờ, giải chưa thấy đâu nhưng con lợn “Chống Mỹ” đã bị mổ phanh, mâm lòng lợn tú hụ thơm lừng, bốc khói... Dân bản la ó, cho rằng cán bộ lừa dân. Rõ ràng là đội thu mua đã mổ lợn của bản mình để đánh chén, nhất định không để cho yên.... Cán bộ thu mua cầu cứu đến nhà Đài. Trong tình thế khẩn cấp ấy, nếu không có cách giải quyết, dân làng sẽ tẩy chay việc bán lợn cho nhà nước.

Nghĩ một lúc, ông dõng dạc nói trước đám đông: “Thưa bà con, đây là con lợn to béo nhất đàn hôm nay, bà con phải vất vả từ sáng mới đưa được đến đây. Nó to béo ục ịch thế này thì làm sao mà dong nó ra đến mặt trận, vào tận miền Nam được. Vậy nên phải mổ lợn ra. Thịt thì ướp muối đóng hộp, mỡ thì rán đóng thùng mới nhanh chóng đưa đến tay bộ đội được. Còn lòng mà gửi đi thì nó thối mất…Thôi cả bản vào đây cùng liên hoan cỗ lòng này đi”. Thế là dân bản hả hê, vừa uống rượu lòng lợn, vừa khen cái lý của nhà Đài quá đúng. Thật ra công việc của đội thu mua phải làm như thế, nhưng vì không được giải thích rõ trước , nên dân thắc mắc.

Cái “nghiệp”với Đài phát thanh không phải đến khi làm phóng viên mới bộc lộ. Ngay từ lúc 15-16 tuổi, chạy giặc càn từ Lào qua Thái Lan, chàng thiếu  niên Đặng Quang Tình đã tham gia Hội Việt kiều cứu quốc tại Thái Lan và làm thư ký văn phòng tỉnh ủy Sakol (thuộc Đặc uỷ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Thái Lan). Công việc của "cán bộ" Tình hồi ấy còn thêm việc nghe và ghi chép bản tin đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tối đến đem bản tin đó đi tuyên truyền phổ biến đến từng nhà bà con Việt kiều. Ông có trí nhớ tốt nên khi nghe bản tin của Đài ông chỉ ghi chép những số liệu chính, còn các nội dung khác ông thuộc lòng, khi phổ biến thì nói ra vanh vách, chỉ nhìn vào bàn tay khi nhắc đến các con số vì giấy tờ cũng là cái cớ cho nhà đương cục phản động Thái Lan khủng bố. Ở Thái Lan hồi đó, cuộc sống Việt kiều rất khó khăn. Hầu hết những người trong đội truyền tin, người thì bán kem, giã gạo thuê; người thì đi lấy củi bán, đi các bản làng xa trao đổi hàng hóa... kiếm sống. Tối về các đội viên lại cắt cử, phân công nhau đi phổ biến tình hình đất nước cho bà con Việt kiều, qua đó vận động bà con ủng hộ cách mạng, đóng góp để chống giặc và xây dựng đất nước.

 
Tháng 1/2015, nhà báo Đặng Quang Tình đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết thứ 3 trong bộ ba tiểu thuyết “Hướng về Đông” với tên gọi “Âm thầm”, khi ông đang bước sang tuổi 82

Ông là người sáng dạ, tiếng Lào thì khỏi cần nói, vì ông sinh ra ở Viêng Chăn. Còn tiếng Thái thì chỉ sau vài năm là ông nói được như người Thái. Chẳng thế mà năm 1953, ông được cử về nước học trung học, nhưng khi qua Lào, ông đã năn nỉ xin được ở lại tham gia đội quân hoạt động ngay trong lòng địch, và đã được chấp thuận vì giỏi tiếng bản địa và am hiểu người Lào.

Cuối năm 1956, ông ốm nặng nên phải chuyển về Việt Nam và đóng quân tại Mộc Châu (Sơn La), sau đó tiếp tục tham gia chiến đấu cùng đội quân cách mạng Pa-thet Lào.    

Ra quân năm 1960, cái nghiệp phát thanh đã tìm đến ông. Ông được phân công phụ trách Đài truyền thanh Mộc Châu. (Mộc Châu lúc đó là một châu của khu tự trị Tây Bắc) và sau đó là Đài phát thanh Tây Bắc. Cái “máu đi, máu viết” cộng với cái tuổi 30 sức vóc lừng lững như "con trâu ngứa sừng" được dịp "sổng chuồng". Đây là thời gian ông đi cơ sở nhiều nhất.

Ông đã từng đi dọc biên giới Việt- Trung, từ Cao bằng, Hà Giang qua Lào Cai, Lai châu, vòng xuống Sơn La, tới tận Thanh Hóa toàn với đôi chân đường rừng cuốc bộ. Ông vừa đi, vừa viết, viết xong thì gửi giao liên từ xã chuyển lên huyện, từ huyện chuyển về Đài. Thế nên mới có chuyến công tác dài đến gần bảy chục ngày. Không chỉ viết, ông còn tuyên truyền, vận động bà con dân tộc xoá bỏ các tập tục lạc hậu, giữ gìn vệ sinh, xây dựng văn hoá thôn bản.

Có lần đi công tác tại bản Chếu, huyện Bắc Yên, Sơn La, thấy có một người phụ nữ chuyển dạ, kêu khóc thảm thiết mà người nhà không đưa đi đẻ. Hỏi ra mới biết là cô này chửa hoang, mà tập tục ở bản là gái chửa hoang thì phải bị ông trời hành, phải tự xử lý, sống chết trông vào “ma núi”... Lần này, ông phải dùng đến cả “cái lý Chính phủ” để cứu người đàn bà tội nghiệp này.

Ông gặp Chủ tịch xã. Chủ tịch nói loanh quanh vì sợ dân làng phạt vạ. Ông nói rắn: lệ làng thì không cho phép cứu người chửa hoang, nhưng Chính phủ thì lại có cái luật là không được để bất cứ người dân nào chết tức tưởi, mà Chủ tịch là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Vậy Làng to hơn hay Chính phủ to hơn? Thấy  Chủ tịch càng bối rối, ông ghé tai Chủ tịch: phải phát lệnh báo động chiến đấu, tập hợp tổ du kích cơ động đến cáng cô gái này xuống bệnh viện, như cáng một thương binh thôi. Như vậy là một mũi tên trúng hai đích, vừa không vi phạm lệ làng, vừa cứu được người theo phép nước. Ông Chủ tịch như chết đuối vớ được cọc. Kẻng báo động rung liên hồi.... Và chiều hôm ấy, những người khiêng cáng về báo: một mí nhùa (con trai) 4kg đã ra đời. Và tối hôm ấy, ông được bố cô gái mang sang biếu một chai rượu ngâm dạ dày nhím chữa đau dạ dày cực tốt.

Sau bao nhiêu năm gắn bó với núi, với rừng, với đồng bào dân tộc thiểu số, về Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1977, run rủi tơ hồng thế nào, ông lại là người phụ trách chương trình Đại gia đình các dân tộc Việt Nam, chuyên viết về đồng bào các dân tộc. Và dường như dải khăn piêu của những cô gái Thái đã níu chân ông, nên sau khi ông luân chuyển khá nhiều vị trí trong Đài như Bạn nghe Đài, Ban đối nội, rồi từ chối trưởng ban Tổ chức ông lại quay trở về với đồng bào dân tộc với chức danh là Trưởng ban đầu tiên Ban biên tập các chương trình phát thanh Dân tộc của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhà báo Đặng Quang Tình tại nhà riêng

Nhà báo với nhiều giải thưởng văn chương

Như trong phần đầu câu chuyện về ông, tôi đã nói “đến giờ thời gian vẫn lẽo đẽo theo sau ông, như để ghen tị với một con người quên cả thời gian vì nghiệp viết”. Quả không quá lời một tí nào.             

Đúng vào lúc mà tôi đang đặt bút viết những dòng chữ này, tháng 1/2015, ông đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết thứ 3 trong bộ ba tiểu thuyết “Hướng về Đông” với tên gọi “Âm thầm”, khi ông đang bước sang tuổi 82 vào mùa xuân Ất Mùi này. Bộ tiểu thuyết, mà như ông nói là những gì còn nung nấu trong ruột, trong  gan, khi quỹ thời gian hạn hẹp, nếu không viết ra thì đó vẫn còn là món nợ đời. Bộ ba tiểu thuyết liên hoàn “Hướng về đông”, “Những cánh chim bạt gió”, “Âm thầm” là tiếng lòng, là khát vọng thống nhất, khát vọng hoà bình cháy bỏng của bà con Việt kiều Thái Lan hướng về đất mẹ Việt Nam và nghĩa tình với nước Lào anh em, đang chìm trong đau thương dưới bom đạn kẻ thù.

Ngoài ra, ông còn có tập truyện “Một thời giông bão” (nhà xuất bản Hội Nhà Văn (2010), nói về Đài Phát thanh Tây Bắc trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và các tập truyện ngắn Hoa rừng (1986), Trăn trở ( 2001). Trong các giải thưởng văn học của ông, phải kể đến truyện ngắn “Trên vành chảo Điện biên”, giải nhất truyện ngắn báo Văn nghệ  (1974),  tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự khởi nghiệp văn chương của một nhà báo phát thanh. Và cũng đáng kể là tất cả các giải văn chương, báo chí tiếp theo của ông đều chụm vào đề tài miền núi: “Ông Thào” tiếp giải nhất báo Văn nghệ (1979), “Lính cối” giải ba tạp chí Văn nghệ Quân đội (1983), và “Ba lần lên Sa Dung”giải nhì Hội Nhà báo Việt Nam (1995).

Hôm chúng tôi đến thăm, ông vẫn giản dị, kiệm lời, trong một căn hộ tập thể,  mà theo như ông nói, đấy là cái lộc của nhà Đài, tại khu tập thể Đài TNVN, phường Phương Liệt, quận Thanh xuân, Hà Nội. Ông run run đặt đĩa hoa quả mà chúng tôi đem biếu ông lên bàn thờ tổ tiên, nơi ấy còn có cả di ảnh của người bạn đời, bà Bùi Thị Kiềm, cô phát thanh viên xinh đẹp, đa năng của Đài phát thanh Tây Bắc ngày nào. Người đã lặng lẽ theo suốt cuộc đời ông, lặng lẽ chịu đựng sự thiếu vắng người đàn ông trong nhà, khi ông phải đi công tác liên miên, lặng lẽ, tảo tần ươm mầm cho những “hạt giống” mà ông bà sinh ra, để rồi đến giờ con trai ông, bà- lại nối nghiệp cha mẹ ở Đài Tiếng nói Việt Nam.  

Ngay lúc này đây, ông vẫn âm thầm thổi hồn vào những “hạt giống” ấy, âm thầm viết để trả tiếp "những món nợ đời"./.