Hạ tuần tháng Bảy năm 1987, học xong khóa chính quy trường Nguyễn Ái Quốc tôi về lại cơ quan nhận công tác. Tôi xin trở lại phòng biên tập phát thanh Công nghiệp, nhưng anh Phạm Mai Luân - Phó tổng biên tập, Trưởng ban Đối nội đưa tay ngang tầm mắt, xua xua như cái gạt nước: “Không được. Không được. Đài đưa cậu đi học trường Đảng Cao cấp về là để nhận nhiệm vụ mới. Cậu được chọn một trong ba vị trí, một là Tổ chức, hai là Văn phòng, ba là Ban Thính giả”. Tôi một mực xin về làm phóng viên, anh Luân bất thần dừng cái gạt nước, thủng thẳng: “Vậy thì sáng mai, sau giao ban, cậu gặp ông Long lửa mà trình bày nhé”.

Tôi từng nghe tên, biết mặt anh Mai Thúc Long, nhưng biệt danh “Long lửa” thì mới là lần đầu. Căn phòng nhỏ cuối tầng hai đủ chỗ cho vài ba người ngồi, vây quanh là sách báo, tài liệu, bài đang viết dở, công văn chờ ký. Miêu tả anh là người tầm thước cũng được, nhưng phải bớt đi một chút đỉnh vì chiếc áo sơ mi trắng cộc tay hơi nhàu, hơi rộng. Thấy tôi, anh hỏi ngay là đã nghĩ kỹ chưa? Chọn nơi làm việc mới chưa? Tôi từ tốn: đi và viết là nghề yêu thích, nếu tôi làm tổ chức hay văn phòng là coi như “tử hình về nghề nghiệp”. Chắc  nhận ra sự chân thành của tôi nên anh  hạ giọng: Thôi được rồi. Cậu về suy nghĩ tiếp đi.

vov3_fdyj_puqf.jpg
Nhà báo Mai Thúc Long, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN

Tuần sau, tôi nhận được quyết định chung đề bạt 8 người, do Tổng Giám đốc Phan Quang ký. Tôi là Phó trưởng Ban Thính giả. Mấy anh em uống với nhau vại bia hơi chúc mừng và có thơ rằng: Hoan hô đồng chí Phan Quang/Về Đài đề bạt Phó Ban tám người.

Năm sau tôi chuyển sang làm Phó trưởng Ban Thư ký Biên tập. Anh Mai Thúc Long là Phó Tổng giám đốc phụ trách nội dung nên tôi được làm việc với anh nhiều hơn. Dần dà tôi hiểu anh hơn và anh thường tranh luận, nhiều lúc “nổ” gay gắt cho ra môn, ra khoai trước khi quyết một vấn đề gì.

Người ta bảo dân Quảng Nam hay cãi, Mai Thúc Long cho là không sai, nhưng chưa đúng hẳn. Cái lý của anh là người ta có hiểu biết, có thẳng thắn, thật thà, có lý lẽ mới dám cãi. Cãi cho cái chung, cái lẽ phải thắng, chứ không cãi nhằng những thứ vụn vặt, thiển cận, cá nhân. Từ trong sâu thẳm, Mai Thúc Long nhận ra cái đẹp riêng có của giọng nói xứ Quảng. Anh viết: “Nghe giọng Quảng Nam người ta nhận ra cái chất thật thà, chất phác, giọng nói chảy ra từ cái tâm, bộc trực, giản dị, tự nhiên như nước trên nguồn chảy xuống”.

Tôi bảo đất Quảng Nam khát bỏng “chưa mưa đã thấm”. Anh bảo phải nói liền “rượu Hồng Đào chưa ngấm đã say” mới thấu hiểu mảnh đất xương xẩu mà đầy thi vị ấy. Anh viết về quê nhà như thế này: “Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một xóm quê nghèo, khiêm tốn nép mình sau lũy tre già… May lắm, làng tôi có vài nhà trồng được ít cây vạn thọ hoặc cây dâm bụt làm vườn rào trước ngõ. Còn lại toàn là tre gai góc phủ đầy, ngọn cây vút lên nghiêng ngả theo ngọn gió chiều”. Làng quê anh thuộc xã Điện Phước, huyện Điện Bàn.

Mai Thúc Long may mắn được sinh ra trong một gia đình có học. Ông nội đỗ tú tài. Bác ruột là cử nhân, tham gia phong trào Cần Vương, là một trong những người thảo Chiếu Cần Vương cho vua Hàm Nghi. Bố sớm đi theo cách mạng. Mẹ giỏi nhớ thơ ca, thuộc làu làu Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Sinh ra trong dòng họ được dân xứ Quảng gọi là “Mai ngang”, nhưng năm anh em trai Mai Thúc Luân, Mai Thúc Long, Mai Thúc Lân, Mai Quốc Liên, Mai Thành Ban đều thành đạt, đuề huề bên nhau.

May mắn hơn nữa, thuở bé, Mai Thúc Long được theo học thầy Phạm Phú Thông giỏi nhất  vùng, lại là cháu của nhà nho Phạm Phú Thứ nổi tiếng. Quê nhà, dòng họ, thầy giáo cho anh tài năng và phẩm hạnh.

Cách mạng tháng Tám nổ ra, cả làng quê Điện Phước rùng rùng chuyển động. Mai Thúc Long ở tuổi mười lăm, ăn chưa no, lo chưa tới, vừa muốn làm người lớn, vừa còn là trẻ con vác gậy chạy theo cha anh giành chính quyền. Anh chưa biết cách mạng là gì, nhưng nghe mẹ nói đó là lẽ phải thì anh theo liền, dứt khoát, không chút chần chừ. Nghe tiếng súng nổ chát chúa, anh vẫn xông lên. Bên cạnh có ông Bát Quỳ miệng hô to “tiến lên”, nhưng chân chạy ngược lại. Anh phì cười cho cái kiểu “nói một đàng, làm một nẻo” và tự răn mình không bao giờ như thế. Ấn tượng ấy, suy nghĩ ấy đeo đẳng suốt đời anh.

Mai Thúc Long trở thành đảng viên Cộng sản vào năm 1949. Năm 1955 là Bí thư chi bộ. Thực hiện Hiệp định Geneve, anh rời quê lên tàu Ba Lan tập kết ra Bắc. Bước chân lên bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa lòng anh nặng trĩu nối nhớ quê nhà. Hai tiếng chia cắt, biệt ly như cánh chim biển vời vợi xa khơi.

Anh được theo học lớp báo chí đầu tiên trên đất Bắc với những người thầy, nhà báo gạo cội như Hoàng Tùng, Đào Tùng, Trần Lâm. Anh cùng 9 đồng môn, đồng nghiệp về Đài Tiếng nói Việt Nam, bắt đầu nghiệp làm báo. Anh "bập" vào Chương trình phát thanh “Nối liền Nam Bắc” như phép mầu nhiệm giải mã cho nỗi đau chia cắt hai miền Nam Bắc mà vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương như cái lẫy đàn nhạy cảm. Những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước trên làn sóng các chương trình phát thanh “Vào Nam” của Đài Tiếng nói Việt Nam, thính giả không thể quên giọng bình luận sắc sảo Hoàng Phương – Mai Thúc Long bên cạnh Viễn Kính, Trung Ngôn.

40 năm theo nghiệp Phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam thì anh đã giành một nửa thời gian sung sức nhất cho Ban biên tập Miền Nam. Hàng trăm, hàng nghìn bài báo phát thanh của anh kết lại trong một tiếng nói đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà. Có lần tôi hỏi: trong hai mươi năm ấy, có điều gì anh tâm đắc nhất?. Không chút chần chừ, anh trả lời ngay là sức mạnh của làn sóng, như viên đạn bắn thẳng, như mũi tên mang tình cảm và lý trí của cả một dân tộc đấu tranh cho chính nghĩa, cho lẽ phải trên đời. Sức mạnh của làn sóng không chỉ thức tỉnh những con dân Việt nhất thời ngả theo địch quay súng trờ về với nhân dân, gia đình mà còn làm nghiêng ngả, chao đảo cả một chế độ ngụy quyền.

Chính quyền Sài Gòn cấm người dân và binh sỹ Việt Nam Cộng hòa nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, nhất là chương trình “Thành thị Miền Nam” và “Trao đổi với binh sỹ Sài Gòn”. Một thời gian dài, chính quyền Sài Gòn dựng lên một chương trình “Thành thị Miền Nam” giả hòng đánh lừa dư luận. Nhưng cái “chính” vẫn thắng “cái tà”. Người dân phấn chấn, kẻ thù hoang mang, run sợ. Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ đánh giá cao và coi đây là đòn đánh trúng tâm địa của kẻ thù. Mỗi lần nhớ lại là mỗi lần nhà báo Mai Thú Long – Hoàng Phương không quên những kỷ niệm sâu đậm này. Miền hoài niệm đưa anh về những năm tháng đắm mình trong nghề nghiệp.

Trong cái chung còn nỗi niềm riêng. Mẹ và em trai của anh từng bị địch giam cầm nhiều năm ở chuồng cọp, Côn Đảo, đang hàng ngày, hàng giờ đau đáu thương nhớ và mỏi mòn chờ mong ngày gia đình đoàn tụ. Làn sóng phát thanh vào Nam như dòng sông âm thanh chảy không ngơi nghỉ trên bầu trời Việt, không chút cắt chia.  Mai Thúc Long và đồng hương, đồng nghiệp làm hạt phù sa cần mẫn trên dòng sông chở nặng ân tình ấy.

Năm 1964, anh cùng anh Ngô Thắng sang giúp bạn Lào mà lòng luôn hướng về nguồn cội. Bút ký “Một màu nâu quê hương” của anh phát trên chương trình “Tổ quốc ta tươi đẹp” của Đài Quốc gia đã lay động bao tấm lòng dân Việt, dù ở nơi đâu cũng theo về quê cha đất tổ, dù có nắng chát, bão táp, mưa sa, bom đào, đạn xới.

Một ngày đầu đông này, trời Hà Nội se lạnh, anh kể cho tôi nghe bao chuyện nghề, chuyện đời, chuyện buồn, chuyện vui. Bất chợt anh đọc câu thơ của Chế Lan Viên: “Xa nước rồi càng thấy nước đau thương”. Ấy là lúc anh nhớ về bảy năm ở Campuchia. Năm 1980, nhà báo Mai Thúc Long được cử làm Trưởng đoàn chuyên gia của Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam gồm 120 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên sang giúp bạn xây dựng hệ thống phát thanh truyền hình. Thấu hiểu nỗi đau chiến tranh của nước nhà, anh càng nhận ra những mất mát, đau thương đến tột cùng của nước bạn.

Anh bảo sang giúp đỡ bạn đâu chỉ bằng nghề báo mà còn là vận động, sẻ chia từng người, từng vụ việc, mỗi tình huống để cho bạn hiểu mình, tin mình và mình biết thêm về bạn. Cái khó nhất và cũng là nhớ nhất là đào tạo đội ngũ phát thanh truyền hình cho bạn. Nhà nước Campuchia tặng nhà báo Mai Thúc Long Huân chương Lao động hạng Nhất đâu chỉ ghi nhận công lao mà cao quý hơn là khắc ghi một tấm lòng trong những tấm lòng vì bè bạn. Cái sâu đậm nhất trong anh là tình người được thử thách qua chiến tranh, gian khổ, qua mất mát và đau thương. 30 năm sau trở lại Campuchia, bạn cũ ôm chầm anh trong vòng tay thương nhớ, như người thân trong gia đình lâu ngày hội ngộ. Có người là Ủy viên Trung ương, là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia. Tuổi tác, trọng trách khác nhau, nhưng trong anh, trong lòng bè bạn chung nhau một tấm lòng, một tinh thần đấu tranh cho độc lập, tự do và bình yên.

Tinh thần đấu tranh cho lẽ phải trong nhà báo Mai Thúc Long là thường trực, khi viết báo cũng như trong cương vị lãnh đạo chính quyền hay công tác Đảng. Từ Bí thư Chi bộ, trong nhiều năm anh là Bí thư Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam rồi Bí thư Đảng ủy Ủy ban  Phát thanh Truyền hình Việt Nam, Phó bí thư Đảng ủy các cơ quan Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Anh mềm mỏng trong vận động quần chúng, đảng viên, nhưng quyết liệt trong đấu tranh nội bộ để phân rõ trắng đen, bảo đảm công khai, minh bạch. Có lúc anh nóng nảy cũng vì lẽ ấy.

Anh đấu tranh chống tiêu cực không chỉ trong đơn vị mà còn thể hiện trên làn sóng. Những năm 90 của thế kỷ trước, thính giả quan tâm loạt bài đấu tranh chống tiêu cực trong ngành Lâm nghiệp. Là người chịu trách nhiệm chính về nội dung của Đài, anh đã thẳng thắn trình bày quan điểm và nội dung loạt bài điều tra chống tiêu cực trước Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ban Bí thư kết luận và hoan nghênh Đài phát thanh Quốc gia đã hăng hái, mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Tôn trọng sự thật và trải hết lòng mình là cung cách làm báo, viết văn của Hoàng Phương – Mai Thúc Long. Nhiều lần anh nói thẳng với đồng nghiệp đàn em rằng: “Làm báo là làm chính trị. Các bạn phải hiểu hết ý nghĩa của nó. Tư duy nghề nghiệp trước hết, đặt lên hàng đầu là tôn trọng sự thật. Muốn vậy phải có một tấm lòng ngay thẳng và trong sáng”. Tính bộc trực, ngay thẳng của anh chảy theo ngòi bút viết nên trang bình luận hừng hực khí thế, đốt nóng thêm sự kiện vốn đã nóng bỏng ngoài đời.

Hai mươi năm cầm bút trên trận tuyến “đánh đòn cân não” với kẻ thù và “chất cãi xứ Quảng” cũng như tính cách “dòng Mai ngang” ngấm vào máu thịt đã cho anh tư duy phản biện. Cái mà anh cho là  không thể thiếu của người làm báo. Với nhà báo phát thanh “nhanh như điện” thì phải nhất thiết cộng thêm sự “nhanh nhạy”. Mai Thúc Long là vậy. Đi nhanh, phản ứng nhanh, nói nhanh, viết nhanh, ký duyệt nhanh, y như câu nói thường ngày của anh: “ký cái reẹc” là xong.

Nghỉ hưu, trút bỏ com lê, cà vạt, không còn giao ban, không còn công văn khẩn trên bàn để “ký cái reẹc”, nhưng nhà báo Hoàng Phương không bỏ nghe, đọc, nghĩ, không bỏ viết. Anh viết bình luận, tản văn, tùy bút. Năm 2002, nhà xuất bản Văn học ấn hành cuốn “Trong và ngoài nghề báo” của Hoàng Phương. Ngót 400 trang sách với những bút ký, tản văn, tiểu luận Hoàng Phương đã gợi mở cho đọc giả cách nhìn đời, cảm nhận thế sự, đánh giá sự kiện một cách chân thực như cuộc sống vốn có. Nhà văn Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học nhận xét: “Văn phong của ông đã thể hiện con người của ông: nhiệt huyết, sắc sảo, khúc chiết, nhưng không kém hóm hỉnh và cảm xúc”.

Trong hàng ngàn người làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam thì sau Trần Lâm, Mai Thúc Long là người nghe đài, nhận xét về đài nhiều nhất, cần mẫn nhất, tâm huyết nhất. Anh phản ứng cực nhanh, bằng điện thoại, bằng thư tay và nhiều khi đi thẳng lên trụ sở Đài để nói thẳng cho ra nhẽ.

Khoảng lặng trong anh là những ngày ốm bệnh phải nằm viện. Hành trang vào nằm viện ngắn hay dài ngày của anh rất gọn nhẹ, nhưng không bao giờ quên chiếc đài bán dẫn nho nhỏ. Vì ở đó anh biết thông tin, ở đó anh gặp bạn bè, đồng nghiệp, ở đó anh lắng nghe hơi thở của Đài…

“Lắng nghe tiếng hát vang trên sóng/Lại nhớ dòng tin viết vội vàng/Nhớ lắm, những người ta yêu lắm/Phút này giá được đặt môi hôn…”

Anh chầm chậm đọc cho tôi nghe bài thơ viết trên giường Bệnh viện Hữu Nghị trong một lần đến thăm./.          

                                                                                                                       Tháng 12 năm 2014