Đêm 23, rạng sáng 24/6, do ảnh hưởng của bão số 2, kết hợp với triều cường khiến mực nước biển dâng cao, sóng biển đánh gây sạt lở nhiều đoạn đê, kè ở các địa phương ven biển như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Ủy ban nhân dân các tỉnh và ngành chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại và đề xuất biện pháp xử lý, gia cố hệ thống đê, kè.

Sáng 24/6, tại huyện Cát Hải (Hải Phòng), gió cấp 5, cấp 6 nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 2, toàn huyện có 450m đê và gần 2000m kè biển bị sóng đánh gây sạt lở nặng. Nước dâng cao cũng làm toàn bộ thị trấn Cát Hải bị ngập, trong đó có 2 nhà dân ở sát biển bị nước cuốn trôi. Hiện nay, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Cát Hải đang xuống cơ sở để kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Cát Hải cho biết, huyện đang huy động 400 người khắc phục các đoạn đê bị vỡ. Ưu tiên khắc phục chỗ xung yếu trước.

quang-ninh-mua-lu.jpg
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra một số tuyến đê trên địa bàn TP Móng Cái (Ảnh: báo Quảng Ninh)

** Tại Quảng Ninh, triều cường kết hợp với nước dâng do bão cũng làm sạt lở 50m thân đê Hà Nam, thị xã Quảng Yên và tràn 70m đê thuộc xã Đường Hoa, huyện Hải Hà; 50m đê xã Tân Bình, huyện Đầm Hà; 60m đê xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn; 7 cầu cảng và 35m đường bê tông huyện Cô Tô bị sạt lở.

Ông Phạm Đình Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Ninh cho biết: Thủy triều ngày 23/6  quá lớn, trong nhiều năm qua chưa từng có. Mực nước ở khu vực Hòn Gai từ 4,4-4,5m. Nhiều nơi, thủy triều quá cao đã tràn qua làm sạt lở một số đoạn đê thấp. Ngay sau đó, tỉnh đã khắc phục, gia cố bằng bao cát, cọc tre. Hiện nay các đoạn đê bị sạt đã ổn định và sẽ sớm được kè lại.

** Tại tỉnh Nam Định, nước biển tràn qua mái đê đã làm sập dốc bê tông đê biển ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu; 20m kè biển khu du lịch Quất Lâm bị sạt lở, Kè 16 đê tả Đáy huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở nhiều điểm… Trong sáng 24/6, tỉnh Nam Định đã thành lập 2 đoàn kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình đê điều ở các huyện ven biển để có biện pháp xử lý.

Ông Đỗ Văn Khánh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định cho biết sẽ xử lý dứt khoát đối với công trình đê điều. Tuy nhiên, ông Khánh cho biết, khó khăn lớn nhất là khối lượng lớn trong khi thủy triều đang lên và phải xử lý vào ban đêm, vào lúc thủy triều kiệt.

Đến sáng 24/6, các lực lượng chức năng huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn đang tiếp tục tìm kiếm 2 người bị mất tích do lũ quét xảy ra vào ngày 23/6./.