Do ảnh hưởng của bão số 2, từ đêm qua đến hôm nay, tại các tỉnh phía Bắc đã có mưa vừa đến mưa to. Tại tỉnh Nghệ An, nhiều nơi mưa rất to với lượng mưa gần 300 mm, đã gây lũ quét tại khu vực khe Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn làm 2 người mất tích.
Đến chiều nay các lực lượng chức năng huyện Kỳ Sơn vẫn chưa tìm thấy thi thể 2 mẹ con chị Huế.
Hiện nay, tại tỉnh Nghệ An vẫn còn mưa lớn gây ngập úng tại một số khu vực dân cưa và nội đồng. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị thủy nông tranh thủ thời điểm nước triều kiệt để mở tất cả các cống tiêu nước. Đồng thời bố trí các lực lượng chức năng túc trực tại các khu vực để kịp thời điều tiết đóng, mở cống tiêu nước tối đa chống ngập.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh Văn Phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết: "Hiện nay nước triều cường đang lên nên chuẩn bị đóng cống để tránh nước tràn từ sông vào. Trong tối nay khi triều xuống chúng tôi sẽ mở cống để tranh thủ tiếp tục tiêu nước. Hiện nay lượng mưa còn tương đối lớn và đề phòng đêm nay còn mưa nên tập trung khơi thông tất cả dòng chảy, vớt bèo rác và tranh thủ mở các cống tiêu để tiêu nước".
Ông Bùi Đình Hoan, Thường trực Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay toàn tỉnh đã cấy được 20% diện tích lúa hè thu. Để chống úng ngập cho lúa mới cấy và mạ khi có mưa lớn, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp tiêu úng trên đồng ruộng, đồng thời khoanh vùng bảo vệ lúa tại các vùng trũng: Chúng tôi đã chủ động triển khai gạn tháo nước toàn bộ nước đệm ở các kênh trục. Thứ 2, chúng tôi triển khai phương án phòng chống bão theo kế hoạch đã định đúng theo phương châm 4 tại chỗ. Đã kiểm tra lại toàn bộ hệ thống trạm bơm tiêu úng, các đường điện phục vụ hệ thống này.
Từ đêm nay, tại các địa phương phía Bắc tiếp tục có mưa, nhiều nơi mưa rất to. Vì vậy, các địa phương cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại các vùng trũng.
Do ảnh hưởng của bão số 2, tỉnh Quảng Ninh có mưa lớn diễn ra trên diện rộng. Tại huyện đảo Vân Đồn, Cửa Ông (TP Cẩm Phả) có gió mạnh cấp 5, cấp 6. Phòng ngừa nguy cơ sạt lở đất xuống các khu dân cư tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện di dời các hộ dân ở các khu vực nguy hiểm.
Chúng tôi có mặt tại tổ 35 xóm 3 phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long, những ngôi nhà ở đây đều bị khóa trái vào không có một người dân nào. Đây là một trong những điểm có nguy cơ sạt lở cao của thành phố Hạ Long do quá trình san, lấp làm dự án Khu đô thị mới Đồi Chè. Vào ngày hôm qua hơn 20 hộ dân nằm gần khu vực dự án nhất đã phải di dời khỏi nơi ở.
Ông Phạm Xuân Thái, một người dân phải di dời, nói: “Khi nhận được thông tin di dời thì gia đình chấp hành nghiêm chỉnh. Tôi thấy rằng đi sơ tán để bảo đảm tính mạng cho mình là đúng. Mong muốn của gia đình khi mưa bão xong làm thế nào mà thành phố và tỉnh có một số tiền hỗ trợ cho chúng tôi nhanh chóng được làm nhà tới nơi ở mới”.
Để chuẩn bị chỗ ăn, ở cho những hộ dân phải di dời khi có sạt lở xảy ra, UBND phường Cao Xanh, TP Hạ Long đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn, thuê một khách sạn có 100 phòng. Các lực lượng của phường cũng túc trực 24/24 tại các vị trí xung yếu, sẵn sàng phương án để di dời những hộ dân tiếp theo khi xảy ra sạt lở lớn.
Ông Nguyễn Công Huy, Chủ tịch UBND phường Cao Xanh cho biết: “Toàn bộ khu vực có nguy cơ sạt lở đã có người túc trực, có nguy hiểm là yêu cầu di dời, các hộ dân cũng đã chủ động sẵn sàng di dời khi có hiện tượng sạt lở. Các đơn vị, lực lượng máy móc được chuẩn bị để khắc phục khi xảy ra sự cố, cũng đã chuẩn bị hết nơi ăn, chốn ở cho bà con và cũng bố trí lương thực để phục vụ cho bà con khi sơ tán đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản”.
Tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo chính quyền cơ sở các nơi có bãi thải đất, đá gần khu dân cư, như những khu khai mỏ ở TP Cẩm Phả, Hạ Long… tiếp tục bám sát địa bàn sẵn sàng các phương án di dời người dân tới nơi an toàn khi xảy ra sạt lở.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng tiếp tục ban hành Công điện khẩn, yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân các địa phương trong tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các ngành và đơn vị trên địa bàn chủ động các biện pháp đối phó với các tình huống tiếp theo của bão số 2. Đặc biệt phòng ngừa sạt lở đất do mưa lớn kéo dài. Đồng thời, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Đoàn Thanh niên, Giao thông vận tải chuẩn bị ngay phương án huy động lực lượng ứng cứu khi có yêu cầu. Khẩn trương gia cố lại các đoạn đê xung yếu, đầm nuôi trồng thủy sản, tuyệt đối không để người ở trên lồng bè, chòi canh đầm./.