Chiều 19/6, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn  Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP HCM về các phương án phòng chống dịch MERS- CoV.

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định, việc giám sát tại các cửa khẩu quốc tế là rất quan trọng nhưng không phải là phương án duy nhất để chống dịch MERS – CoV.

Các máy đo thân nhiệt tại các cửa khẩu quốc tế chỉ có thể phát hiện ra bệnh nếu hành khách bị sốt.

mers_tsn_1_mada.jpg
Máy đo thân nhiệt từ xa tại Cửa khẩu Tân Sơn Nhất

Trong khi đó, MERS - CoV có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày, có thể sau khi về cộng đồng thì mới phát bệnh. Do đó, việc theo dõi, giám sát tại cộng đồng là rất quan trọng.

TP HCM nên tập trung giám sát tại những khu vực có đông người trở về từ vùng dịch sinh sống và làm việc như các Khu chế xuất, Khu công nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh cũng đã đề nghị các bệnh viện nên bổ sung thêm các trang thiết bị để cấp cứu những trường hợp bệnh nặng như: Máy thở, hệ thống lọc máu liên tục, hệ thống trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể ECMO…

Các phương tiện phòng hộ cá nhân như quần áo chống dịch, khẩu trang N95 cũng phải chuẩn bị đầy đủ vì chỉ cần xuất hiện một trường hợp mắc bệnh thì sẽ nhanh chóng sử dụng hết các phương tiện phòng hộ cá nhân.

Ngành y tế TP HCM cần xây dựng phương án thành lập bệnh viện dã chiến khi dịch xuất hiện và lan rộng./.