Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm Cao Đức Phát vừa có Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống virus A/H7N9 và các chủng virus gia cầm lây sang người.
Nội dung công điện yêu cầu, các địa phương tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên các địa bàn, thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc.
Các đơn vị cơ sở cần tiến hành rà soát kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người; cập nhật các chợ có buôn bán gia cầm sống, các điểm thu gom gia cầm sống có nguồn gốc không rõ ràng để tập trung giám sát; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; tiếp tục tăng cường giám sát chủ động, tổ chức lấy mẫu giám sát virus A/H7N9 và các chủng virus khác trên gia cầm nhập lậu, gia cầm bán tại các chợ gia cầm sống và môi trường nhằm phát hiện sớm vi rút xâm nhập để có biện pháp xử lý kịp thời.
Các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan y tế địa phương tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp người nghi mắc bệnh cúm, chủ động phối hợp với cơ quan thú y để điều tra xác minh, truy xuất nguồn gốc gia cầm có liên quan để xử lý triệt để.
Khi phát hiện có virus A/H7N9 và chủng virus mới xuất hiện trên gia cầm hoặc trong môi trường, cần báo ngay cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan thú y để ngăn ngừa virus phát tán ra diện rộng, bao gồm cả biện pháp tạm dừng buôn bán gia cầm sống trong thời gian từ 7 đến 10 ngày đối với chợ có phát hiện virus để tiêu độc khử trùng.
Theo thông báo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), trong năm 2015, Trung Quốc đã có thêm 226 người mắc bệnh cúm A/H7N9, trong đó có 94 ca đã tử vong. Cho đến nay, virus A/H7N9 chủ yếu được phát hiện trên người, gia cầm và môi trường tại Trung Quốc, trong đó có tỉnh Quảng Tây giáp biên giới với Việt Nam./.