Trước tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc có nguy cơ bùng phát thành đợt dịch mới có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam - gần biên giới Việt Nam, ngày 28/1, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người.

hop_ban_tr_khnm.jpg
Họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 3 tuần đầu của tháng 1/2015, tại Trung Quốc ghi nhận 16 ca mắc cúm A/H7N9, trong đó có 3 ca tử vong. Như vậy, từ ca mắc đầu tiên vào năm 2013 đến nay, thế giới ghi nhận 486 trường hợp mắc cúm A/H7N9 và đã có 185 người tử vong, chiếm tỷ lệ 40%.

Hiện các ca bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam - gần biên giới Việt Nam. Tại tỉnh Quảng Đông - nơi có nhiều người Việt Nam sang du lịch, làm ăn buôn bán đã ghi nhận 111ca mắc cúm A/H7N9.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu nhận định, nguy cơ xâm nhập cúm A/H7N9 vào Việt Nam ở mức trung bình. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được việc vận chuyển gia cầm qua biên giới thì nguy cơ này sẽ rất lớn.

Còn theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, nhiều chủng cúm mới xuất hiện. Hiện dịch cúm A/H5N1 lưu hành rộng khắp trên đàn gia cầm của nhiều địa phương của Việt Nam. Điều đáng lo ngại là hoạt động giết mổ, vận chuyển gia cầm gia tăng vào dịp Tết và việc nhập lậu gia cầm vẫn diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N1), (H5N8) và cúm A(H5N2) trên cả gia cầm và người. Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều loại virus cúm vẫn lưu hành trên gia cầm, cho thấy virus cúm có sự phát triển và thay đổi phức tạp. Mùa Đông-Xuân là thời điểm thuận lợi cho các virus cúm phát triển và lây từ gia cầm sang người. Các địa phương cần khẩn trương triển khai các biện pháp chủ động phòng chống.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Đầu tiên vẫn là thực hiện tốt việc giám sát, giám sát tại cộng đồng, giám sát trong các bệnh viện. Tất cả các trường hợp có biểu hiện viêm, nhiễm trùng hô hấp đều phải được lấy mẫu xét nghiệm để giám sát. Bên cạnh đó tăng cường xét nghiệm thú y. Tiếp theo là tăng cường truyền thông để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, trong đó có việc không ăn tiết canh”./.