Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khi hậu, đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nêu rõ, cần nghiên cứu kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng thống nhất, tập trung đầu mối, khắc phục triệt để tình trạng phân tán trong quản lý Nhà nước.

Còn theo Kết luận số 64 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, trước mắt, giữ cơ bản ổn định tổ chức của Chính phủ, tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với thực tiễn đất nước.

Vậy cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước nên được tổ chức lại như thế nào? Thành lập một bộ mới? Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02, ngày 5/8/2002 của Quốc hội khóa XI? Hay chuyển giao chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trở lại cho Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn?  

Về nội dung này, phóng viên Lê Phúc trao đổi với TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

dinh-xuan-thao.jpg
TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

** Năm 2002, chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm trách được Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, đến nay, toàn bộ hệ thống cơ quan cũng như lực lượng hỗ trợ kỹ thuật về tài nguyên nước không được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển giao cho Bộ Tài nguyên & Môi trường. Như vậy, có thể nói rằng, Nghị quyết số 02, ngày 5/8/2002, của Quốc hội Khóa XI đã không được thực hiện nghiêm túc, thưa ông?

- Đúng vậy! Thực tế này đã tồn tại 10 năm nay rồi. Phải xem xét cụ thể nguyên nhân vì sao lại để tồn tại lâu như vậy. Chúng ta phải tìm cách tháo gỡ, giải quyết sớm hiện trạng này.

Vừa rồi, khi Quốc hội xem xét để thông qua Luật Tài nguyên nước sửa đổi, tôi đã nêu vấn đề này ra, đã trực tiếp hỏi Lãnh đạo hai bộ: Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Tài Nguyên & Môi trường về nội dung này. Thế nhưng, tôi không được người có trách nhiệm của hai bộ này trả lời rõ ràng lý do vì sao lại có tình trạng: Quốc hội khóa XI đã ra Nghị quyết mà không được thực hiện.

** Theo ông, trong trường hợp cụ thể này, đã đến lúc, cần yêu cầu các bộ liên quan thực hiện dứt điểm nội dung đã được quy định trong Nghị quyết không?

- Rõ ràng, một Nghị quyết đã ban hành 10 năm rồi mà chưa thực hiện một cách đầy đủ, bây giờ, đã là quá muộn nhưng muộn còn hơn không.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Quốc hội cần yêu cầu các bộ có liên quan và Chính phủ làm rõ lý do và giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Nếu thấy Nghị quyết của Quốc hội không phù hợp thì cần sớm kiến nghị với Quốc hội để sửa đổi, bổ sung, ra một Nghị quyết mới. Nếu thấy nghị quyết đó là đúng, phù hợp thì phải nghiêm chỉnh chấp hành, không để kéo dài.

** Có ý kiến cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện không thể hoàn thành được nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Thời gian tới, khi nhu cầu về số lượng, rồi chất lượng nước ngày một gia tăng thì Bộ này càng không thể đảm trách được nhiệm vụ của mình. Quan điểm của ông về nhận định này như thế nào?

- Theo tôi, cần xem xét một cách nghiêm túc vấn đề quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, xem giao cho bộ nào quản lý tài nguyên này tốt nhất.

Đối với những tài nguyên không tái tạo, như đất đai, khoáng sản… thì giao cho Bộ Tài nguyên & Môi trường quản lý là hoàn toàn phù hợp.

Còn đối với tài nguyên tái tạo, cho dù tái tạo có giới hạn, như nguồn lợi thủy sản, tài nguyên nước… thì vì nó có đặc thù riêng nên việc giao cho Bộ Tài nguyên & Môi trường quản lý cũng chưa thật hợp lý, chưa kể chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên & Môi trường, hiện nay, quá tải.

Ở nhiều nước, riêng lĩnh vực đất đai đã có một bộ riêng rồi. Bộ Tài nguyên & Môi trường được giao quản lý đất đai, khoáng sản, biến đổi khí hậu, kể cả tài nguyên ở đất liền, ngoài biển, hải đảo… Như thế rất nặng. Vì vậy, được giao thêm quản lý tài nguyên nước nữa, tôi cho là khó mà quán xuyến, thực hiện tốt được.

Hiện nay, lực lượng về tài nguyên nước đang ở Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cho nên, nếu giao lại chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước lại cho Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tôi nghĩ, sẽ hợp lý hơn.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp quá độ vì Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, hiện nay, cũng đang quá tải.

Về lâu dài, nếu thấy cần thiết, một số lĩnh vực đặc thù, đặc biệt quan trọng như tài nguyên nước và biến đổi khí hậu có thể hình thành một bộ riêng. Mặc dù, chúng ta vẫn chủ trương chung là, phải giảm đầu mối, giảm bộ nhưng có những trường hợp cần thiết, đặc biệt vì lợi ích Quốc gia, Dân tộc thì cũng cần có tổ chức phù hợp để quản lý hiệu quả.

** Nếu chuyển chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một giải pháp tình thế. Vậy tại sao, chúng ta không giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên nước ở Bộ Tài nguyên & Môi trường, thưa ông?

Tôi tán thành việc tập trung một đầu mối quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Đưa tất cả nguồn lực về quản lý tài nguyên nước sang Bộ Tài nguyên & Môi trường hay đưa trở lại chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước về Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hay thành lập một bộ mới cần phải cân nhắc.

Việc đưa lực lượng hiện có từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sang Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, tính đến hiệu quả quản lý Nhà nước, tôi sợ Bộ Tài nguyên & Môi trường quá tải, quá sức, không đủ sức để quản, bởi vì, bộ này đang quản lý nhiều việc quá lớn, những việc hệ trọng của đất nước. Còn đưa về Bộ Tài nguyên và Môi trường thì hợp lý, hợp logic.

** Thưa ông, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đã nêu rõ, cần nghiên cứu kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng thống nhất, tập trung đầu mối, khắc phục triệt để tình trạng phân tán trong quản lý Nhà nước. Đây có phải là cơ sở quan trọng để có thể đưa về một mối trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước?

- Tinh thần của Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI đúng là một cơ sở chính trị pháp lý vững chắc để thực hiện thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.

Một lĩnh vực nhiều cơ quan quản lý sẽ rất khó để xác định trách nhiệm đến cùng trong quá trình tổ chức thực hiện cũng như khi xảy ra sự cố. Nếu như có cơ quan riêng biệt quản lý Nhà nước về tài nguyên nước và biến đổi khí hậu thì rất tốt.

Đây là vấn đề hết sức phức tạp, không chỉ mang tính Quốc gia, khu vực mà còn mang tính toàn cầu. Đây cũng là vấn đề rất cấp bách, mang tính thời sự.

Trước mắt, theo tinh thần Hôi nghị Trung ương 7 khóa XI, chúng ta chưa thể tăng thêm đầu mối, chưa thể có một bộ riêng, nhưng cần có một Tổng cục để giao phụ trách, quản lý Nhà nước về tài nguyên nước và biến đổi khí hậu.

** Vừa qua, Sở Tài nguyên & Môi trường TP. HCM đã trình UBND thành phố này phương án thành lập một sở mới, với tên gọi là Sở Nước. Đây có thể xem là một gợi mở đáng quan tâm về việc tổ chức lại bộ máy Nhà nước về quản lý tài nguyên nước, thưa ông?

- Chính thực tiễn này ở TP. HCM là một cơ sở lý luận cũng như thực tiễn, gợi mở cho việc thu về một đầu mối: sử dụng, khai thác cũng là nơi quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Nhưng tôi nhắc lại, đây là đặc thù đối với loại tài nguyên có tái tạo, còn tài nguyên không tái tạo thì đúng là người sử dụng và người quản lý phải tách biệt  riêng. 

** Xin trân trọng cảm ơn TS Đinh Xuân Thảo./.