Trước thực tế này, là một trong những quốc gia chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn đề đặt ra một yêu cầu cấp bách phải tổ chức lại bộ máy quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.
Vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường mờ nhạt
Thực tế cho thấy, nhiều ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về giải pháp kỹ thuật trong vận hành các hồ chứa cũng như các ý kiến thẩm định quy trình vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện thường không được các bộ, ngành khác để tâm. Hầu như các chủ công trình, nhất là các cơ quan quản lý cấp trên đã không hoặc rất ít khi tiếp thu, sửa chữa theo đề xuất, yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sông Đak My lộ trơ đáy (Ảnh: Hoài Nam) |
PGS. TS Nguyễn Văn Thắng, Đại học Thủy lợi cho biết về sự hiện diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thẩm định, phê duyệt các dự án công trình thủy lợi, thủy điện: “Khi phê duyệt có mời đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng chủ yếu là hình thức. Cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước chưa có vai trò, chưa thể can thiệp sâu để có thể điều chỉnh ngay từ khâu quy hoạch. Từng ngành tự quyết định công trình của ngành mình là chính. Chính vì vậy, các công trình cứ trăm hoa đua nở. Nhất là các thủy điện nhỏ, thích thì lại điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh rất nhiều lần, rất đơn giản và nhẹ nhàng. Những điều chỉnh quy hoạch đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng không được tham gia nhiều.”
Cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong thủy điện, thủy lợi thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thế nhưng, nhiều chủ công trình, chủ đầu tư và cả các cơ quan quản lý của họ đều “quên” mất thủ tục này. Trong cả nước, số công trình thủy điện, thủy lợi phải xin phép Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng chưa nộp hồ sơ là rất lớn.
Đáng chú ý, hiệu quả, hiệu lực thực sự của các Giấy phép cũng không đáng kể. Bộ Tài nguyên và Môi trường thường phải cấp Giấy phép sử dụng tài nguyên nước cho các công trình xây dựng xong hoặc đã đi vào vận hành một vài năm, vì vậy, không có tác dụng ngăn chặn hoặc giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường do công trình thủy điện, thủy lợi. Giấy phép, hóa ra, chỉ có ý nghĩa “hoàn tất” thủ tục hành chính và để nói rằng, cơ quan cấp phép đã làm hết chức trách quản lý Nhà nước về tài nguyên nước!
Càng ngày, lỗ hổng trong quản lý tài nguyên nước càng lộ rõ. Bộ TNMT còn “lực bất tòng tâm” trong điều hòa, phân bổ tài nguyên nước, không thể đảm bảo hài hòa các lợi ích.
Luật Tài nguyên nước quy định, tài nguyên nước được Nhà nước thống nhất quản lý phục vụ lợi ích chung của xã hội. Trong đó, nguồn nước ở các hồ chứa là một bộ phận không thể tách rời của tài nguyên nước trên lưu vực sông. Trớ trêu thay, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại không thể điều hành được nguồn nước trong các hồ chứa thủy điện, thủy lợi vì thuộc quyền quản lý của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
PGS. TS Lê Bắc Huỳnh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hiện giờ, Bộ TNMT không vận hành được các hồ chứa của các bộ ngành khác quản lý. Bộ chỉ có thể điều hành trong những trường hợp hãn hữu, ví dụ như lũ lớn hoặc hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng. Chính phủ quy định như vậy, còn bình thường thì người ta quản lý điều hành chứ. Nhưng thực ra khi lũ lớn và hạn hán nghiêm trọng thì Chính phủ điều hành hết. Tiếng nói của Bộ Tài nguyên và Môi trường không có gì và anh cũng không có chuyên gia, có người có năng lực để làm được việc ấy, để nói cho người ta nghe những lúc như thế. Những lúc như thế là lúc nước sôi, lửa bỏng, phải điều hòa lợi ích của nhau”.
Nước ta đang xây dựng và đã đưa vào khai thác hàng ngàn hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện. Đây là cơ sở hạ tầng quan trọng để điều tiết dòng chảy sông, giúp phòng, chống lũ cho hạ du và tạo nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vì thiếu sự điều hành thống nhất của Bộ TNMT, nên tài nguyên nước chưa được phân bổ một cách hợp lý cho các nhu cầu theo thứ tự ưu tiên như quy định của pháp luật. Không ít trường hợp khi thiếu nước, khan hiếm nước, các nguồn nước trên lưu vực, đặc biệt là nước đã được tích trữ trong các hồ chứa, không được ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt và những yêu cầu thiết yếu khác.
Các lợi ích chính không được giải quyết hài hòa, như giữa chống lũ và phát điện; giữa phát điện hoặc tưới; giữa phát điện và cấp nước cho hạ du, cấp nước sinh hoạt, duy trì dòng chảy môi trường hạ du các dòng sông, đẩy mặn ở vùng cửa sông ven biển,…
Đây cũng là nguồn gốc của những tranh cãi gay gắt về nguồn nước ở các tỉnh miền Trung như hiện nay.
Câu chuyện trở nên phức tạp hơn khi Bộ TNMT không thể giải quyết được các tranh chấp về nguồn nước.
Đáng chú ý, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chứ không phải Bộ Tài nguyên và Môi trường, được giao thành lập Tổ Điều hành phòng chống hạn của Chính phủ để thống nhất công tác điều hành chống hạn, lên kế hoạch dùng nước ở các vùng, địa phương; đặc biệt là tham mưu, giúp Chính phủ điều hành, giải quyết những điểm nóng về nước.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học, dù biết rằng, làm thay Bộ Tài nguyên và Môi trường như vậy là trái với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật nhưng vì lợi ích chung của quốc gia nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn phải làm.
Ông Học giải thích: “Theo các văn bản hiện nay, gần như mọi chức năng, nhiệm vụ thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng do không có nguồn lực nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn làm là chính. Nhiều việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm là vi Hiến vì Luật có trao cho anh làm đâu nhưng vẫn cứ làm. Nhưng vì nhân lực như thế, không làm cũng chết, vì đất nước mình làm. Nó tốt vẫn cứ làm.”
Rõ ràng, được giao chức năng, nhiệm vụ nhưng không đủ nguồn lực nên công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước hiện đã vượt quá khả năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ này càng không đủ sức để giải quyết những vấn đề liên quan đến nguồn nước trong điều kiện nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nên thành lập một Bộ mới để quản lý tài nguyên nước?
Trong những năm gần đây, bình quân 1 năm, số người bị chết ở nước ta do thiên tai, bão, lũ vào khoảng 400 người, tổn thất về kinh tế từ 1,3 - 1,5 GDP của cả nước. Theo dự báo của Ngân hàng châu Á (ADB), trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, nếu không có nỗ lực về phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên nước một cách có hiệu quả thì từ năm 2030 trở đi, mỗi năm, nước ta sẽ mất tới 6,5% GDP và có tới 4 triệu người sống trong cảnh nghèo đói.
Mặt khác, với 63% trữ lượng nước mặt của nước ta là từ nước ngoài chảy vào, gần đây, ở thượng nguồn sông Đà, sông Thao, sông Lô, phần lưu vực thuộc Trung Quốc, việc xây dựng nhiều hồ chứa thủy điện đã gây những biến động phi tự nhiên, suy giảm, cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng bất lợi tới nguồn nước chảy về Việt Nam. Tình hình tương tự cũng đang diễn ra trên dòng chính sông Mê Công.
Trong tình hình như vậy, nếu không có những cơ chế, chính sách chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và có những thay đổi cơ bản trong quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước thì nước ta sẽ phải đối mặt với thách thức lớn về đảm bảo an ninh nguồn nước. Khi đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững càng trở nên khó khăn hơn.
Ông Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nên thành lập một bộ mới để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Bộ này sẽ giúp Chính phủ thống nhất quản lý tài nguyên nước, xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách nhằm bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục tác hại của nước; có kế hoạch ứng phó với biển đổi khí hậu (chủ yếu cũng là bảo vệ, khai thác, sử dụng nước và phòng, chống thiên tai). Đặc biệt, bộ này phải có trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn các loại hồ chứa dù thuộc sở hữu của bộ, ngành nào, bảo đảm nguồn nước cho các ngành, địa phương dùng nước.
Ông Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Nên thành lập Bộ mới để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước (Ảnh: KT internet) |
Vì thế, ông Học đề xuất: “Theo tôi, nên thành lập Bộ mới, có thể gọi là Bộ Thủy lợi và Biến đổi khí hậu. Phụ trách vấn đề thủy lợi và biến đổi khí hậu thì nhiệm vụ rất lớn. Cá nhân tôi cho rằng, việc thành lập là cần thiết và sẽ tốt cho đất nước”.
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ông Nguyễn Cảnh Dinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy lợi đã ký vào văn bản gửi Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét thành lập Bộ Thủy lợi và Biến đổi khí hậu.
Theo ông Vũ Mão, Bộ trưởng bộ này phải là người nắm và chỉ đạo rất chắc các vấn đề về tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu: “Nếu để Bộ Tài nguyên và Môi trường như hiện nay thì nặng quá, quá sức. Một bộ có nhiều lĩnh vực rộng quá. Riêng đất đai, theo tôi, đã là một sự nghiệp lớn rồi, sức đâu mà làm việc khác. Đã là Bộ trưởng thì đòi hỏi tương đối sâu vào một số lĩnh vực. Nói thật như hiện nay thì làm sao đủ kiến thức, đủ trình độ, năng lực và thời gian để bao quát tất cả các lĩnh vực như vậy. Nên tổ chức lại cho hợp lý hơn, tách ra thành Bộ Thủy lợi và Biến đổi khí hậu.”
Trong trường hợp không thành lập được một bộ mới thì cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02, ngày 5/8/2002 của Quốc hội khóa 11, chuyển cơ bản nguồn lực về tài nguyên nước từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, các cơ quan của Tổng cục Thủy lợi, gồm hai Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Bắc và miền Nam, Cục Quản lý Đê điều & Phòng chống lụt bão, Trung tâm Tư vấn và bộ máy hành chính của cơ quan này cần được chuyển về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nói tóm lại, những cơ quan, đơn vị nào trước đây thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Thủy lợi cũ thì nay nên chuyển sang Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nêu rõ, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, “cần nghiên cứu kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo hướng tổng hợp, thống nhất, tập trung đầu mối, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước…”.
Đây chính là cơ sở quan trọng để Chính phủ xem xét, tổ chức lại bộ máy giúp việc, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống lụt, bão và quản lý, khai thác tài nguyên nước hiệu quả hơn.
Cấp bách tổ chức lại bộ máy quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, đó là mệnh lệnh từ cuộc sống!/.
Bài 1: Thượng nguồn tích nước, hạ nguồn… khan!
Bài 2: Sử dụng tài nguyên nước: Mạnh được, yếu thua
Bài 3: Quản lý tài nguyên nước đang kiểu “cha chung không ai khóc”!